Đó là chia sẻ của GS Daniel Joshua Drucker, người vừa được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới của Giải thưởng VinFuture 2023.
Tại buổi giao lưu với chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2023 diễn ra vào sáng ngày 21/12 tại Hà Nội, nhiều câu chuyện thú vị về hành trình nghiên cứu khoa học, những câu chuyện đời thường giản dị, truyền cảm hứng của các nhà khoa học đã được chia sẻ.
Không bao giờ bỏ cuộc
Trước khi đạt được những thành công trong nghiên cứu, các nhà khoa học đều gặp phải những thất bại khác nhau. Nói như GS Daniel Joshua Drucker, thất bại trong khoa học là thường tình. Dù là nhà khoa học vĩ đại như thế nào cũng không tránh khỏi thất bại.
“Tôi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu sau khi học đại học y. Trước đó tôi chưa làm dự án nghiên cứu nào, cũng chưa đi học thạc sĩ, tiến sĩ nên khi vào phòng lab, tôi thậm chí còn không biết làm gì cả! Phần lớn thí nghiệm của tôi khi đó không cho ra kết quả” – GS Daniel Joshua Drucker nhớ lại và cho biết thời điểm đó, ngày nào về nhà ông cũng thấy trầm cảm, chán nản, chỉ muốn quay lại học. Nhiều đồng nghiệp cũng khuyên ông quay về bệnh viện làm bác sĩ đi.
Song ông vẫn vững tin, quyết tâm thực hiện. Để giải tỏa tâm lý, ông chọn cách gác lại công việc khi về nhà, chơi với mèo, sum họp gia đình... Với ông, đó là đệm đỡ khi vấp ngã.
PGS Svetlana Mojsov, đồng chủ nhân Giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới của VinFuture 2023 cũng nhìn nhận, khi làm nghiên cứu khoa học, hãy quan tâm tới công trình mà ta tham gia. Phải xác định sẽ không tránh khỏi thất bại nếu ta muốn giải quyết bài toán đặt ra. Nhưng khi đã tìm ra được đam mê, nhiệt huyết của bản thân, thất bại cũng đừng nản lòng, thoái chí. Hãy làm tiếp và thành công sẽ mỉm cười với người kiên trì, nỗ lực.
Hai rào cản với nhà nghiên cứu trẻ
Trả lời câu hỏi của sinh viên Đào Trung Hiếu đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam về hai băn khoăn khi thực hiện nghiên cứu khoa học với người trẻ đó là hạn chế về lương thấp và cơ sở vật chất thiếu thốn, GS Daniel Joshua Drucker khẳng định đây là vấn đề nhiều người đã và đang gặp phải. Ông hy vọng điều đó sẽ thay đổi trong thời gian tới.
“Nhiều người nói về việc ta cần thay đổi mức lương dành cho nghiên cứu sinh. Trong hàng trăm năm ta đều kỳ vọng sinh viên nghiên cứu sinh làm việc nhiều giờ đồng hồ mà trả công không xứng đáng. Vậy nên hồi tôi còn trẻ cũng gặp vấn đề đó. Hy vọng tới thế hệ này có thể thay đổi giúp ngành nghiên cứu hấp dẫn hơn trong tương lai” – GS Daniel Joshua Drucker nói.
Đồng thời, nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu Lunenfeld-Tanenbaum, Đại học Toronto, Canada này cho rằng rất khó để tìm ra cơ quan, viện nghiên cứu phù hợp. Nên nhìn vào người đi trước để nhìn ra đâu là người hài lòng sự nghiệp của mình, họ làm việc ở đâu, ngành nào… Nhà khoa học trẻ phải tích cực kết nối tìm hiểu thông tin để tìm môi trường làm việc lý tưởng.
Từ kinh nghiệm của bản thân mình PGS Svetlana Mojsov đưa ra lời khuyên với các bạn sinh viên, nhà khoa học trẻ đó là hãy mạnh mẽ lên tiếng bởi nhiều khi một bài nghiên cứu gồm nhiều đóng góp nhưng không phải ai cũng có cơ hội được chia sẻ. Bản thân bà đã đứng lên và chia sẻ với mọi ng về đóng góp của mình cho công trình đó và nhận được sự ghi nhận của mọi người.
“Hãy chủ động lên tiếng về thành tựu của mình” - PGS Svetlana Mojsov khẳng định.
Đồng thời bà cũng cho rằng trước hết mỗi người phải làm tốt vai trò của mình, viết được các bài báo, nghiên cứu khoa học. Sau đó suy nghĩ về việc xây dựng nhóm làm việc hoặc tham gia vào một nhóm, cùng đóng góp vào công trình nào đó, không chỉ riêng lẻ một cá nhân. Phải tham gia vào một tập thể để cùng làm việc, tạo nên những giá trị phục vụ cộng đồng.
Chia sẻ thêm, GS Daniel Joshua Drucker cho rằng có nhiều cách để tận dụng thành công của nghiên cứu. Ví dụ có một nghiên cứu thành công thì sẽ dễ lấy được tài trợ của doanh nghiệp, nhà nước hơn cho nghiên cứu sau. Phương án dễ hơn là kết hợp doanh nghiệp làm nghiên cứu mà kết quả tạo ra được doanh nghiệp sử dụng luôn. Doanh nghiệp có lợi nhuận sẽ đầu tư ngược lại.
"Khi ta có nhà nghiên cứu thành công thì đó là chuyện có thể lan tỏa tới cộng đồng, các trường, nghiên cứu, từ đó huy động nguồn tài trợ các mạnh thường quân, từ xã hội" - GS Daniel Joshua Drucker nhấn mạnh.