Tổn thương thận do đái tháo đường ngày càng tăng

An Thái 22/09/2022 06:38

Theo GS.TS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường, Việt Nam có hơn 5 triệu người mắc đái tháo đường. Cụ thể, khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, trong khi chưa tới 30% số người được chẩn đoán điều trị tốt. 50% bệnh nhân đái tháo đường lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.

Những thông tin trên được GS.TS Trần Hữu Dàng đưa ra mới đây tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Tim mạch - Thận - Chuyển hóa tại Việt Nam giai đoạn 2022-2025 (Yêu lấy mình - CAREME).

Theo ông Dàng, tổn thương thận do đái tháo đường ngày càng tăng. Bệnh tim mạch - thận là biến chứng của đái tháo đường ngày càng gia tăng. Giới hạn bệnh lý giữa tim mạch, thận và đái tháo đường là không có.

Tại lễ ký kết chương trình nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, mô hình bệnh tật của Việt Nam đang có sự dịch chuyển. Theo ông Sơn, trong khi các bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đang dần được kiểm soát thì thay vào đó là sự gia tăng mạnh của các bệnh lý không lây nhiễm như: Bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường, ung thư...

Ước tính, các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 77% nguyên nhân gây tử vong hiện nay, trong đó tim mạch là nguyên nhân hàng đầu. Mỗi năm, thế giới có từ 18-20 triệu người tử vong do các bệnh lý tim mạch, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm. Đáng nói, các bệnh tim mạch, thận và chuyển hóa không chỉ có tỷ lệ lưu hành cao mà còn có mối quan hệ chặt chẽ qua lại, tạo thành vòng xoắn bệnh tật, đặt gánh nặng lớn lên hệ thống y tế.

Theo các chuyên gia, 10% bệnh nhân đái tháo đường cuối cùng tử vong vì bệnh thận, và những người tổn thương thận giai đoạn cuối nhiều nhất là do đái tháo đường. “Vì vậy, sáng kiến triển khai Chương trình Yêu lấy mình - CAREME giai đoạn 2022-2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hiện thực hóa và đạt được mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về phòng, chống bệnh không lây nhiễm”- ông Sơn nêu rõ.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trước gánh nặng từ các bệnh có liên hệ mật thiết như tim mạch - thận - chuyển hóa, việc xây dựng mô hình quản lý bệnh và các yếu tố nguy cơ toàn diện là cần thiết, có ý nghĩa bền vững. Chương trình Yêu lấy mình - CaReMe giai đoạn 2022-2025 nhằm góp phần củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tim mạch - thận - chuyển hóa, giảm gánh nặng do các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.

CAREME viết tắt của từ Cardio - Renal - Metabolic condition, trong tiếng Việt chỉ nhóm bệnh lý có sự liên quan mật thiết là Tim mạch - Thận - Chuyển hóa, đồng thời viết tắt của thông điệp “Care for me”: Yêu lấy mình, kêu gọi người dân chủ động phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe sớm hơn. Chương trình góp phần củng cố tính bền vững trong công tác chăm sóc cho bệnh nhân Tim mạch - Thận - Chuyển hóa bằng các giải pháp thiết thực. Thông qua các hoạt động giáo dục sức khỏe và tầm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh, chương trình dự kiến trong 3 năm triển khai sẽ tiếp cận ít nhất 500.000 người dân trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổn thương thận do đái tháo đường ngày càng tăng