Tôn trọng quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người dân

Trần Ngọc Kha 21/07/2015 07:10

Từ cách đây 10 năm, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 46/NQ-TW, ngày 23/2/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ trong tình hình mới. Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước do Bộ Y tế tổ chức ngày 20/7, rất nhiều vấn đề được ghi nhận và cần sửa đổi, bổ sung sau thời gian thực hiện nghị quyết này.

Tôn trọng quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người dân

Quang cảnh hội nghị.

Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng Trương Hoài Phong đề nghị tiếp tục cho phép đào tạo liên thông y tế, có giảm dần qua các năm chứ không nên cắt bỏ hoàn toàn. Ông kiến nghị cần có chế độ khuyến khích, đãi ngộ đối với một số chuyên ngành đang dần kém thu hút nhân lực như tâm thần, lao...

Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước ưu tiên hàng đầu... Xuất phát điểm như vậy, nghị quyết nhằm đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Trong thời gian qua, hệ thống y tế Việt Nam phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, y tế công lập và ngoài công lập, trong đó y tế công lập giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo các nhiệm vụ, các lĩnh vực mà tư nhân không hoặc ít có điều kiện tham gia, y tế ngoài công lập đóng vai trò bổ sung, phục vụ các đối tượng có khả năng chi trả, tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Người dân, kể cả người có thu nhập cao cũng như người có hoàn cảnh khó khăn đều đã quan tâm đến sức khỏe của mình cũng như người thân trong gia đình, khi có bệnh đã chủ động đến cơ sở y tế để điều trị.

Theo thống kê, số lượt khám từ 1,5 lần/người vào năm 2005 đến nay đã tăng lên 2,34 lần/người, cơ cấu bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, ung thư, tâm thần… và các bệnh của tuổi già đang có xu hướng tăng. Tuổi thọ trung bình năm 2005 năm đầu thực hiện Nghị quyết 46 là 70 tuổi, mục tiêu đến 2010 là 72,0 tuổi, kết quả đạt được năm 2010 là 72,8 tuổi, năm 2014 tăng lên 73,2 tuổi.

Theo báo cáo sơ kết của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế trình bày, kết quả nói trên có được do nghị quyết cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong đó có một số chính sách, văn bản hết sức quan trọng như chính sách pháp luật về BHYT, đặc biệt Luật Khám bệnh, chữa bệnh, có quy định cụ thể về xã hội hóa công tác khám chữa bệnh.

Trong các văn bản nêu trên, Chính phủ đã cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn của cán bộ công nhân viên, vay vốn của các tổ chức tín dụng, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để đầu tư, lắp đặt trang thiết bị y tế cùng khai thác, đặc biệt, Nghị định 69/2008/NĐ-CP và Nghị quyết số 93 - NQ/CP đã cho phép các đơn vị sự nghiệp công được huy động vốn, vay vốn để thành lập các đơn vị hạch toán độc lập nhằm tăng thêm năng lực cung ứng dịch vụ y tế cho xã hội, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.

Nhằm đáp ứng sự phát triển của hệ thống y tế trong tình hình mới, khắc phục các tồn tại của hệ thống y tế hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo nguyên tắc tiếp tục hoàn thiện, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, sắp xếp lại các cơ sở y tế dự phòng tuyến tỉnh vào một đầu mối theo mô hình trung tâm kiểm soát dịch, bệnh (CDC); các đơn vị kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, vaccine, sinh phẩm y tế theo mô hình cơ quan quản lý thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm (FDA), thu gọn đầu mối các đơn vị y tế tuyến huyện thành 1 đơn vị thực hiện 2 chức năng: Y tế dự phòng và Khám chữa bệnh nhằm tăng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hiện có và quản lý toàn diện sức khỏe.

Cổ phần hoá bệnh viện công, tại sao không?

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 46/NQ-TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị do Bộ Y tế tổ chức ngày 20-7, hầu hết các ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế cũng như các sở y tế địa phương khi đề cập đến vấn đề cổ phần hoá bệnh viện công lập đều bày tỏ quan điểm chưa đồng tình.

Lý do nếu thực hiện chủ trương này, các cơ sở y tế sẽ có xu hướng tính cao giá dịch vụ y tế hơn so với giá được BHYT thanh toán, gây khó khăn cho người bệnh, nhất là các thành phần có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Trong khi đó, theo giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Hồ Đức Hải, các chi phí cho dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ. Ông đề nghị sớm cổ phần hoá các bệnh viện công, nhất là các BV vùng đồng bằng. Được như vậy chỉ có lợi cho tất cả các thành phần xã hội.

Theo GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, “ở các nước người ta cổ phần hoá để thu hút bệnh nhân còn ở ta, cổ phần hoá là nhằm mục đích giảm tải BV và đây là vấn đề khá nhậy cảm nên chúng ta cần thận trọng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tôn trọng quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO