Ngày 25/11, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã thông qua kết quả chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024. Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố chủ trì hội nghị.
Chương trình “Bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024 đã được các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các Hội, Hiệp hội tổ chức triển khai xuyên suốt từ tháng 7/2024. Chương trình đã tiếp nhận đăng ký tham gia của gần 200 doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau. Sau khi rà soát hồ sơ, Chương trình đã lựa chọn ra 276 sản phẩm của 142 doanh nghiệp đạt đủ điều kiện, tiêu chí tham gia để tổ chức bình chọn.
Công tác tổ chức bình chọn được triển khai trong tháng 9, 10/2024 theo hai hình thức, trực tuyến qua website: binhchonhangviet.com.vn và trực tiếp qua phiếu tại các điểm công cộng, siêu thị, trung tâm thương mại lớn như: Phố đi bộ Hồ Gươm, Hệ thống các siêu thị Big C, MM Megamarket, siêu thị Đức Thành.
Tính đến hết ngày 31/10/2024, Ban tổ chức đã nhận được Tổng số lượt bình chọn đạt 535.929 lượt tăng 5,33% so với năm 2023 (năm 2023 đạt 508.786 lượt). Trong đó, bình chọn online đạt 304.816 lượt bình chọn cho các sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình, tăng 5,55% so với năm 2023. Bình chọn trực tiếp: Ban tổ chức đã phát hành 6.000 phiếu bình chọn, tổng số phiếu thu về hợp lệ 6.000 phiếu. Tổng số lượt bình chọn đạt 231.113 lượt tăng 5,05% so với năm 2023.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể, thành viên Ban chỉ đạo tích cực thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả, có sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, tôn vinh sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam. Các hình thức đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng đa dạng hơn, đồng thời, mở ra cơ hội thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, qua đó đóng góp vào tăng trưởng chung của thành phố Hà Nội trong năm 2024. Sau quá trình tổng kết bình chọn của người tiêu dùng và chấm điểm của Ban giám khảo, đã có 150 sản phẩm dịch vụ của 142 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm sản phẩm, dịch vụ được Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội công nhận đạt Top các sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2024. Trong đó: Top 1: 25 sản phẩm; Top 2: 35 sản phẩm; Top 3: 40 sản phẩm; Top 4: 50 sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết: “Chương trình năm nay đã kế thừa và phát huy những kinh nghiệm và thành công của những kỳ tổ chức trước đó, đồng thời, có những nghiên cứu, điều chỉnh nhiều nội dung, cải tiến mới trong công tác triển khai, đánh giá sản phẩm dịch vụ tham gia một cách khách quan, chặt chẽ và phù hợp hơn. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị giải thưởng tôn vinh dành cho các doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực, chủ động phát huy sự sáng tạo trong việc cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm dịch vụ, công tác tuyên truyền quảng bá và thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và cộng đồng”.
Với hàng trăm sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận và tôn vinh mỗi năm, có thể khẳng định, Chương trình “Bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” đã và đang là một trong những hoạt động quan trọng của thành phố trong việc xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt với hàng Việt, kết nối cung cầu, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ hàng Việt, thiết thực thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, năm nay, số lượng doanh nghiệp tham gia bình chọn với số lượng sản phẩm nhiều hơn. Các tổ chức thành viên đã tích cực vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia tích cực dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần nghiên cứu đổi mới, sáng tạo hơn trong việc tổ chức lễ tôn vinh để thu hút các doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền cố gắng, nhưng chưa đạt được mục đích như ý muốn. Sản phẩm mũi nhọn, sản phẩm đạt OCOP, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao tham gia còn hạn chế, cần tăng cường bổ sung, thu hút tham gia trong các năm tiếp theo.