Tôn vinh nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Phạm Sỹ 23/06/2023 09:11

Ngày 22/6/2023, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Truyền dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ. Ảnh: TTXVN,

Sau khi nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời vào năm 2013, hát Xẩm ở Yên Mô (Ninh Bình) đứng trước nguy cơ thất truyền. Thế nhưng thật mừng là hôm nay hát xẩm tiếp tục được hồi sinh qua các hội diễn văn nghệ quần chúng, các sự kiện, lễ hội và trong các lớp học hát xẩm ở nhiều trường học trên địa bàn huyện.

Có được điều đó là nhờ những năm gần đây, huyện Yên Mô đã chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật của loại hình nghệ thuật dân tộc này. Từ năm 2014 đến nay UBND huyện đã mở được nhiều lớp truyền dạy. Các học viên sau đó được tham gia dàn dựng, biểu diễn tại nhiều sự kiện.

Sau khi được truyền nghề, các học viên tham gia dàn dựng, biểu diễn chương trình hát xẩm nhằm giới thiệu, quảng bá sâu rộng nghệ thuật hát xẩm tới công chúng và truyền nghề cho lớp trẻ kế cận; bồi đắp tình yêu môn nghệ thuật này cho rất nhiều các bạn trẻ không chỉ ở địa phương. Trên địa bàn huyện Yên Mô hiện có hơn 20 câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm, thường xuyên tập luyện, giao lưu trong các ngày Lễ, ngày hội tại địa phương và tham gia các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Cứ thế, những làn điệu xẩm đã không còn bó hẹp trong không gian hội làng, hội chùa hay góc chợ, bến xe như trước kia mà nay hát xẩm đã vang lên trên sân khấu, tại các sự kiện văn hóa của tỉnh, của huyện Yên Mô.

Từ câu chuyện về bảo tồn hát xẩm ở làng Yên Mô cho thấy sự cần thiết của việc động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy cho các thế hệ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ.

Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân.

Việc xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể theo Nghị định số 62/2014 của Chính phủ đã góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, di sản văn hóa nói chung.

Sau khi Nghị định của Chính phủ được ban hành, Bộ VHTTDL đã tổ chức được 3 đợt xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Kết quả cụ thể: Có 131 NNƯT được phong tặng danh hiệu NNND và 1.750 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT.

Tuy nhiên quá trình xét tặng danh hiệu còn một số bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 62/2014/NĐ-CP là cần thiết.

Tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp, đại diện các Sở Văn hóa khu vực phía Bắc cơ bản nhất trí tờ trình dự thảo lần 2 về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung việc tước danh hiệu nếu như vi phạm pháp luật hoặc không đóng góp được nhiều.

Theo nhạc sĩ Hồ Hữu Thới - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, dự thảo Nghị định này đã đề cập đến nhiều đối tượng, đây là lực lượng để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đất nước, tuy nhiên cần phải điều chỉnh cụ thể hơn. Kết quả cống hiến của người được xét tặng cần có bằng khen hay giấy công nhận của các cấp và quy định cấp nào… Còn việc tước danh hiệu chỉ khi vi phạm về việc bảo tồn di sản còn những khuyết điểm khác thì xử lý theo quy định khác của pháp luật.

Đồng quan điểm, ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hóa mong rằng khi xét NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa thì cần phải kiểm tra tay nghề. Xét căn cứ theo hồ sơ thì không đảm bảo chính xác. Cùng với đó là quy định khen thưởng, bằng khen, giấy khen của cấp nào…

Ông Phạm Cao Quý - Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa phi vật thể (Cục Di sản văn hóa) cho rằng, chúng ta phải giảm bớt thủ tục hành chính và giảm bớt việc chủ quan của các cơ quan quản lý nhà nước. Những thứ thuộc về thủ tục hành chính nội bộ của cơ quan quản lý nhà nước chúng ta không đem ra để làm rào cản cho việc xét tặng nghệ nhân.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, cần phải có nghiên cứu cụ thể hơn nữa để hoàn thiện nội dung quy phạm pháp luật, hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét tặng của các cấp. Trong dự thảo đã có nhiều nội dung mới được tiếp thu và hoàn thiện. Dự thảo đã chính thức đưa vào nội dung không xét cá nhân đã được đào tạo qua trường lớp chính quy để có thêm các kỹ năng. Cùng với đó thống nhất trong việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư để xét tặng danh hiệu. Về quy định đăng tải danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng một lần thay vì hai lần như trước đây góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho việc xét tặng.

Dự thảo lần này cũng đã bỏ được quy định trong một kỳ xét tặng, thành viên hội đồng cấp tỉnh không đồng thời là thành viên hội đồng cấp chuyên ngành cấp Bộ, hội đồng cấp nhà nước.

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định danh hiệu Nghệ nhân nhân dân để tặng cho cá nhân trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt; kỹ năng đặc biệt xuất sắc; có thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ 20 năm trở lên; có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, kính trọng; tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tôn vinh nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO