671 hồ sơ nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) lĩnh vực phi vật thể vừa chính thức được trình Hội đồng nhà nước xét tặng. Đây cũng là lần thứ 3 những “báu vật nhân văn sống” được ghi nhận và tôn vinh cho những đóng góp không biết mệt mỏi vì sự phát triển của văn hoá Việt.
Tôn vinh những người xứng đáng
Ở đợt xét tặng lần này, có rất nhiều “cái tên” quen thuộc. Đơn cử như NNƯT Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội) vốn được phong là “đệ nhất ẩm thực Hà Thành”. Bà là người gìn giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành, nắm giữ những bí quyết nghề nghiệp của nhiều làng nghề nổi tiếng. Trước đó, vào năm 2019, NNƯT Ánh Tuyết cũng đã từng được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND. Tuy nhiên, hồ sơ của bà đã bị dừng ở hội đồng cấp Bộ.
Hay NNƯT Lê Đức Chắn (Quảng Ninh) cũng trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NNND ở loại hình tri thức dân gian lần nay. NNƯT Lê Đức Chắn là người nắm giữ những bí quyết làm thuyền buồm đi ngược gió, có vai trò đáng kể trong tiến trình hàng hải Việt Nam. Năm 2018, nghệ nhân Lê Đức Chắn được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND nhưng chưa có tên trong danh sách được phong tặng chính thức. Năm 2021, Quảng Ninh tiếp tục đề xuất công nhận danh hiệu NNND cho nghệ nhân Lê Đức Chắn.
Trong danh sách xét tặng với di sản tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có nhiều “gương mặt” quen thuộc với cộng đồng. Như NNƯT Lưu Ngọc Đức ở lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng. Nhiều năm qua, nghệ nhân đã miệt mài cống hiến để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt, NNƯT Lưu Ngọc Đức còn là người “tiên phong” trong việc giúp những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nhận thức đúng đắn, không lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi.
Đặc biệt, NNƯT Trần Thị Duyên (92 tuổi) đồng đền Phủ Tiên Hương, thuộc quần thể di tích Phủ Giầy (Nam Định) năm nay cũng có tên trong danh sách được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND. NNƯT Trần Thị Duyên là người đã dành trọn cuộc đời, với bao vất vả thăng trầm để gìn giữ, phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Cần tạo hành lang thông thoáng
Thực tế việc xét tặng danh hiệu NNND và NNƯT trong lĩnh vực di sản phi vật thể đến nay vẫn đang lộ ra nhiều bất cập. Ở đó, các chính sách liên quan tới nghệ nhân được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa và thi đua khen thưởng đang tỏ ra chưa thiết thực đối với nghệ nhân mà thường chỉ dừng ở nhóm chính sách tôn vinh và an sinh xã hội.
Hệ thống văn bản thiếu đồng bộ và không kịp thời, chưa thu hút, thúc đẩy sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò của nghệ nhân nói riêng và di sản văn hoá phi vật thể nói chung. Chính những bất cập này, nhiều nghệ nhân tiêu biểu qua đời mà chưa nhận được sự tôn vinh và chính sách đãi ngộ xứng đáng. Nhiều nghệ nhân vẫn đang gặp khó khăn không chỉ trong hoạt động thực hành di sản văn hoá phi vật thể mà còn ngay trong cuộc sống.
Về vấn đề này, theo TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian ứng dụng bày tỏ, trong các đợt xét tặng danh hiệu nghệ nhân trước đây, có không ít nghệ nhân là người dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn được xét tặng. Đặc biệt, có nhiều nghệ nhân dân tộc ít người ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Các nghệ nhân này chủ yếu thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Còn các nghệ nhân nắm vững tri thức dân gian về ngành nghề, lễ hội, phong tục tập quán… ít được phong tặng hơn.
TS Trần Hữu Sơn cho rằng, cần có sự kết nối, bám sát cơ sở thông qua các chuyên gia am hiểu về đời sống văn hoá, phong tục tập quán ở từng địa bàn. Thông thường, các nghệ nhân giỏi ở vùng sâu lại không nắm rõ cách làm hồ sơ, do vậy họ cần được hỗ trợ.
“Hơn ai hết, rất nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể vốn có từ ngàn đời sẽ thông qua các nghệ nhân để được gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị. Nhiều giá trị văn hóa đứng trước nguy cơ mai một, hoặc mất đi vĩnh viễn nếu như không có các nghệ nhân tâm huyết gìn giữ. Vì vậy, cần có sự tôn vinh xứng đáng đối với họ” - ông Sơn nói.
Còn theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng (Bộ VHTTDL) đánh giá, mỗi nghệ nhân được xét tặng lần này đều là những nhân tố có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, được Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu.
Cũng theo ông Cẩn, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm nay tiếp tục hoạt động theo quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Với tinh thần tôn vinh chính xác, kịp thời đối với các nghệ nhân đã có nhiều cống hiến, công tác xét tặng qua các cấp hội đồng đã và sẽ tiếp tục nỗ lực để các danh hiệu cao quý được trao tặng cho các nghệ nhân xứng đáng. Ngoài các tiêu chí định lượng, ở mảng nghệ nhân còn có nhiều yếu tố định tính, vì vậy các hội đồng đều thảo luận rất kỹ lưỡng, chi tiết từng trường hợp.
“Sau đợt xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT lần thứ 3, các cơ quan chức năng sẽ tổng kết, đánh giá và có những đề xuất chỉnh sửa Nghị định xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT cho phù hợp hơn với thực tiễn” - ông Cẩn cho biết thêm.
Trong đợt xét tặng trình Hội đồng nhà nước có 71 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNND và 600 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT. Đây cũng là đợt xét tặng ghi nhận số lượng nghệ nhân được đề nghị công nhận danh hiệu nhiều nhất từ trước tới nay. Trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, Hà Nội là địa phương có số lượng nhiều nhất với 11 hồ sơ. Sau Hà Nội, Bắc Ninh có 7 hồ sơ; Thái Bình có 5 hồ sơ; Bình Định có 4 hồ sơ; Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Đắk Nông, TP HCM có 3 hồ sơ... được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND.