Ngày 23/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng và quận Đống Đa (Hà Nội), sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Trao đổi với cử tri, về vấn đề chất vấn- trả lời chất vấn, Tổng Bí thư nêu rõ: Đó không phải là việc hỏi - trả lời, mà phải rất trách nhiệm. Không thể đổ cho khách quan mà phải nhận trách nhiệm và phải sửa. Nhưng quan trọng là thực hiện trong thực tiễn cuộc sống thế nào? Lời hứa có thực hiện hay không? Có kiểm tra, giám sát tốt hay không? Phải chuyển biến tr
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội, ngày 23/6. (Ảnh: TTXVN).
Tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm vẫn làm bức xúc xã hội
Cử tri Trịnh Quốc Việt (phường Thanh Nhàn) phát biểu, chất vấn và trả lời chất vấn thể hiện vai trò trách nhiệm của ĐBQH, tư lệnh ngành, các Phó Thủ tướng. Tuy nhiên, theo cử tri, lời hứa của tư lệnh ngành, như tư lệnh ngành y tế nếu các giám định kết quả sức khỏe được liên thông sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Nếu điều đó thành hiện thực thì rất tốt. Cần có sự kiểm soát của ĐBQH, để lời hứa của tư lệnh ngành, Chính phủ trước dân thành hiện thực để nợ công giảm, đầu tư công không còn dàn trải lãng phí. An toàn thực phẩm gây bức xúc xã hội, làm sao để người dân được hưởng thực phẩm an toàn.
Theo cử tri Nguyễn Công Chất (phường Phạm Đình Hổ), dù y tế đã phát triển, nhiều bệnh viện xây dựng mới, đã cứu chữa được nhiều bệnh rất hiểm nghèo, nhưng nếu ai chẳng may vào bệnh viện mới thấm thía được cảnh ốm đau thế nào. “Tại QH khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Y tế nói ngành không có phong bì, phong bao. Nhưng tôi nằm viện 2 ngày nếu không có quà cũng chưa được cấp thuốc. Tại kỳ họp vừa rồi, Bộ trưởng cũng nói rằng bồi dưỡng làm thêm của bác sỹ không đủ 1 bát phở”- ông Chất nói, đồng thời đặt vấn đề: Nhưng với lương như thế, mức bồi dưỡng như thế thì làm sao nhiều bác sỹ có ô tô đi làm như thế?
Cũng theo ông Chất, phòng chống tham nhũng được Đảng, nhân dân rất quan tâm. Các dự án trên dưới 10 nghìn tỷ đồng làm nghèo đất nước, không phải do không có năng lực mà là do thiếu trách nhiệm, lợi ích nhóm. Sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn như thế, cả nước lo, Chính phủ lo, Đảng lo, thế mà lại có sân golf trong đây. “Tôi thấy lạ lắm, dân thấy lạ lắm. Tôi cho rằng cần phải xem xét, phải lấy lợi ích dân tộc, đất nước lên trên hết, loại bỏ lợi ích cục bộ. Chống tham nhũng đồng thời phải chống lãng phí. Không chống lãng phí mà chỉ chống tham nhũng không thì chỉ được một nửa. Cho nên cần chống lãng phí để xây dựng đất nước vững mạnh”- cử tri nói.
Cùng chung quan điểm, cử tri Vũ Hoan (phường Quang Trung) cho rằng, chống tham nhũng đã cương quyết nhưng lãng phí, lợi ích nhóm vẫn là nỗi bức xúc của cử tri. Để chống lãng phí hiệu quả thì cần được cụ thể, thể chế hóa bằng các quy định pháp luật. Có như vậy mới chống được lãng phí, lòng dân mới yên và đất nước mới phát triển. Còn cử tri Nguyễn Thị Phương Liên, Bí thư Đoàn Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng: Việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy trong thời gian qua còn chưa nhiều, chưa đạt hiệu quả cao. Khâu yếu nhất vẫn là tổ chức thực hiện, còn tình trạng nể nang. Do đó cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới.
Chống tham nhũng, còn làm tiếp, lâu dài
Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Kỳ họp thứ 3 QH khóa XIV rất thành công, thông qua 12 luật, cho ý kiến 6 dự án luật. Kỳ họp thông qua được Bộ luật Hình sự là thành công rất lớn. “Thông qua được với tỷ lệ cao như thế là một thành công. Rồi các dự án giải quyết các vấn đề nợ xấu, nợ công, tách giải phóng mặt bằng của sân bay Long Thành là những vấn đề rất lớn, rất khó”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cho biết thêm, trong chất vấn và trả lời chất vấn, lần đầu tiên Quốc hội dành 3 ngày cho 4 Bộ trưởng, 1 Phó Thủ tướng thường trực. Liên quan đến 4 nhóm vấn đề nhưng là ý kiến của hàng nghìn cử tri. Tranh luận cũng rất thẳng thắn, trước kia hỏi và trả lời, nhưng giờ giữa các ĐBQH có ý kiến khác nhau thì có thể tranh luận. Như trong bế mạc Chủ tịch Quốc hội có nói “chuyển từ thảo luận sang tranh luận để cho dân chủ”.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư vẫn còn hạn chế trong chất vấn và trả lời chất vấn như chưa đi đến cùng, còn phải tranh luận thẳng thắn hơn nữa, nhất là chất vấn làm sao để thấy được trách nhiệm để làm sao sửa chữa những thiếu sót, hạn chế để làm tốt hơn chức trách của mình. Chất vấn không phải để hỏi, để trả lời, tìm kiếm thông tin, mà là để xem xét trách nhiệm của anh để xảy ra việc đó. Không thể đổ cho khách quan được, phải nhận trách nhiệm và hứa sửa. Quan trọng là thực hiện trong thực tiễn cuộc sống thế nào? Lời hứa có thực hiện hay không? Có kiểm tra, giám sát tốt hay không? Tổng Bí thư lưu ý: Nói nhiều nhưng quan trọng là có chuyển biến trong cuộc sống hay không? Nói hay là cần rồi, thuyết phục nhau là cần rồi, nhưng sau đó phải chuyển biến trong thực tế hành động, đó là cái cần. Các vấn đề giải quyết nợ xấu, nợ công, an toàn thực phẩm, chống bạo lực học đường, bảo đảm đạo đức, văn hóa, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
Đề cập đến vấn đề phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Từ tháng 6 cho đến nay làm rất quyết liệt. Mất 5-6 người nguyên là Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, có người mất cả ĐBQH. Các Thứ trưởng vừa rồi cũng bị cách chức, cảnh cáo, nghỉ hưu rồi vẫn kỷ luật và đến như vừa rồi, ông Đinh La Thăng thôi Ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng đây mới chỉ là xử lý về mặt kỷ luật Đảng, còn về hành chính, hình sự thì còn phải khởi tố, điều tra rồi theo đúng quy định của pháp luật. Trên thực tế vừa rồi, ông Vũ Huy Hoàng đâu chỉ kỷ luật về Đảng mà chính quyền đã làm rồi. Rồi mấy ông nguyên là Bộ trưởng, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường; ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Hà Tĩnh cũng thôi, thôi cả ĐBQH. Hay như Trịnh Xuân Thanh khai trừ ra khỏi Đảng và còn đang khởi tố, truy nã toàn quốc, quốc tế.
“Ta làm đồng bộ nhưng phải có bước đi. Vừa rồi, dư luận hoan nghênh ở chỗ là có tình, có lý, mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa. Không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng phải kỷ luật và vi phạm pháp luật thì phải xử. Cảm ơn các bác, các đồng chí đã động viên kịp thời, ủng hộ tinh thần này nhưng tôi nói còn gian nan lắm, không bằng lòng được đâu, còn làm tiếp, lâu dài”- Tổng Bí thư trao đổi với cử tri.
Tổng Bí thư cũng đặt vấn đề: Vì sao nói giảm sút lòng tin, nguyên nhân tại đâu? Chính là do tham nhũng, lãng phí, hư hỏng làm mất niềm tin. Ngày xưa cán bộ sẵn sàng ra mặt trận, che đạn cho đồng chí mình thì người ta mới tin, phục, yêu. Còn giờ khó khăn lại đẩy cho người khác, lợi ích nhóm; Tôi nghèo thế này, anh thế kia thì nảy sinh ra mất niềm tin. “Đây là một trong những nguyên nhân vì thế phải đẩy mạnh xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch và phải làm thường xuyên”- Tổng Bí thư nêu rõ.