Trước thềm năm mới Mậu Tuất - 2018, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho Báo Đại Đoàn Kết một cuộc trò chuyện với nhiều cảm xúc về con đường phía trước của đất nước ta; về tinh thần đoàn kết của các thế hệ người Việt khắp năm châu bốn bể - một di sản quý của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng.
PV: Thưa Tổng Bí thư, chúng ta đang bước vào những tháng đầu của năm 2018; nhìn lại năm 2017, xin Tổng Bí thư chia sẻ với bạn đọc Báo Đại Đoàn kết về những thành tựu nổi bật đạt được và cả khó khăn, thách thức trong năm qua?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm 2017, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đan xen cả cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới và khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường, xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hoá thương mại.
Trong bối cảnh ấy, đất nước ta vẫn phát triển và giữ được sự ổn định.
Đây là tiền đề hết sức quan trọng, tạo đà thuận lợi, giúp chúng ta huy động được sức mạnh tổng hợp, cố kết được lòng dân, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.
Tính đến cuối năm 2017, 13/13 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, tăng trưởng GDP đạt 6,81%. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục, gần 127 nghìn, tăng 15,2% so với năm 2016; đồng thời có trên 25 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tốt với vị trí đứng đầu là sản xuất công nghiệp, tăng khoảng 9,5%. Khu vực FDI có đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển; số vốn FDI đăng ký đạt kỷ lục trên 35 tỉ USD, tăng trên 30%, giải ngân vốn FDI đạt 17,5 tỉ USD, tăng 10,8%, cao nhất trong 10 năm qua.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, đạt 36 tỉ đô la Mỹ.
Tình hình chính trị - xã hội ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững; lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều thành tựu.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực.
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đặc biệt, chúng ta đã tổ chức rất thành công Năm APEC 2017 mà điểm nhấn là Tuần lễ Cấp cao APEC.
Bên lề của Tuần lễ Cấp cao, chúng ta cũng đón nhiều nguyên thủ quốc gia thăm chính thức, trong đó, có 2 chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Nói đến khó khăn, hạn chế của năm 2017, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận: Nền kinh tế tuy phát triển nhưng chưa thật sự vững chắc và phải chịu những tác động xấu, để lại những hậu quả nặng nề như: Thiên tai, bão lũ xảy ra dồn dập ở nhiều nơi, gây tổn thất lớn về người và của, khiến đồng bào tại địa phương gặp nhiều khó khăn, sinh kế bấp bênh. Còn ở bên ngoài, chính sách bảo hộ thương mại và thuế biên giới của các nước làm cho xuất khẩu thuỷ hải sản, nông sản của Việt Nam cũng gặp nhiều trở ngại…
Tuy vậy, những khó khăn đó không làm chùn bước được người Việt Nam chúng ta vốn cần cù, chịu thương, chịu khó, sáng tạo và trên hết, đó là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái - một di sản quý của người Việt Nam.
Chúng ta bước vào năm 2018 với tâm thế phấn chấn, tự tin, trong bối cảnh đây là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Toàn Đảng, toàn dân đang có khí thế mới; trong đó quan trọng hơn cả là có được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Nước ta hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn; thế và lực của đất nước ngày càng mạnh hơn, uy tín quốc tế ngày càng cao. Tình hình và bối cảnh mới đang đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa.
Mùa xuân đất nước.
PV: Tổng Bí thư vừa nói đến tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận cao trong xã hội, vậy chúng ta cần làm gì để giữ được tinh thần ấy trong suốt quá trình vận hành của bộ máy chính trị các cấp, thưa Tổng Bí thư?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trong điều kiện chúng ta đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội thì sự gắn kết giữa Đảng với nhân dân, sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành, các giới chính là điều kiện quan trọng để phát triển đất nước.
Ở đây tôi muốn đề cập đến vai trò và những đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ sáu (khoá VIII) tổ chức đầu năm 2017, tôi đã nhấn mạnh vai trò đoàn kết, tập hợp lực lượng của Mặt trận Tổ quốc trên nhiều “trận địa” nhằm góp sức cùng Đảng tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, hướng tới thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.
Và tôi tin rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và sẽ luôn là mái nhà chung để mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi và kiều bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, ý chí, trí tuệ và khả năng sáng tạo của mình, xây dựng, bảo vệ đất nước, chăm lo cho cuộc sống của người dân; tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; cũng như vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc góp phần đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước.
Nói như vậy cũng để thấy, vai trò và vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở giai đoạn nào của lịch sử cũng rất quan trọng.
Vì thế, Mặt trận cần ghi nhớ những nhiệm vụ bao trùm, quan trọng hàng đầu của mình, như chính sứ mệnh đã được lịch sử dân tộc giao phó, đó là: Tiếp tục xây dựng và tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường hoà bình, ổn định. Chỉ có sự đoàn kết, nhất trí, đồng sức đồng lòng từ trên xuống dưới chúng ta mới có thể thực hiện thành công mục tiêu cao cả đó.
PV:Tổng Bí thư đã nói đến nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc các cấp. Vậy xin Tổng Bí thư nhận xét về việc thực hiện trách nhiệm của Mặt trận những năm qua, thưa Tổng Bí thư?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW (Quyết định 217 và 218) của Bộ Chính trị ra đời đã được một thời gian. Đây là các quyết định cơ bản, tạo điều kiện để Mặt trận triển khai tốt hơn hoạt động giám sát của tổ chức mình.
Tôi muốn khẳng định thêm một lần nữa, việc Bộ Chính trị ban hành hai quyết định kể trên thể hiện rõ sự tin tưởng vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Tin rằng, với vị thế của mình, Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
Ba năm thực hiện Quyết định 217 và 218 đi vào cuộc sống, Mặt trận đã có những cố gắng nhất định trong công tác giám sát, phản biện xã hội.
Những việc bước đầu đã làm tốt thì cần phát huy; những việc chưa làm được hay mới ở bước “chạy lấy đà” thì cần nhanh chóng bắt nhịp để có thể “tăng tốc” trong thời gian tới.
Theo tôi, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần chủ động làm tốt hơn nữa công tác giám sát và phản biện xã hội, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức; tích cực tham gia chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đó cũng chính là cách để Mặt trận góp sức cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng - một nghị quyết được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận nhiệt thành.
Tôi cũng muốn nhắc lại ý này: Mặt trận không chỉ là người phản biện sắc sảo và chân tình của Đảng và chính quyền, mà còn phải là địa chỉ tin cậy để các tầng lớp nhân dân qua đó góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ta ngày càng vững mạnh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc.
PV: Thưa Tổng Bí thư, như Tổng Bí thư đã nói, công tác xây dựng Đảng và đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta và cách mạng nước ta. Xin Tổng Bí thư có thể nói rõ hơn về công tác này từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khoá XII đến nay?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trải qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, nhiệm kỳ nào chúng ta cũng đặt ra yêu cầu, mục tiêu cho công tác xây dựng Đảng.
Tuy nhiên, hai nhiệm kỳ gần đây, nhiệm kỳ khoá XI và XII, chúng ta đặc biệt chú trọng hơn là bởi, đã có những thời điểm chúng ta dường như lơi là công tác này.
Mặt khác, trong điều kiện mới của công cuộc đổi mới với quy mô, tầm vóc mới cùng những thời cơ, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức mới đan xen, chúng ta càng cần phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước phát triển đi lên.
Từ nhiệm kỳ khoá XI, Đảng ta đã chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; đến khoá XII chúng ta thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống.
Tức là, đã nhận diện rõ hơn các biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Từ sự nhận diện đó, chúng ta đã kiên quyết đấu tranh, phê phán không khoan nhượng trước các việc làm sai trái, trước các biểu hiện suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ giữ trọng trách cao.
Đã có những trường hợp cán bộ, đảng viên giữ vị trí cao bị thi hành kỷ luật.
Chúng ta cũng đã nhận biết và sửa đổi các quy định để việc quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng chặt chẽ, bài bản, khoa học hơn.
Tất cả những bước đi ấy đều nhằm xây dựng Đảng ta vững mạnh hơn, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.
Với trọng trách của một cơ quan truyền thông; nhất lại là cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi mong muốn Báo Đại Đoàn kết sẽ tích cực đóng góp tiếng nói mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh.
Báo cần trở thành diễn đàn rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, đem tiếng nói xây dựng của nhân dân đến với Đảng. Báo cần chú trọng nêu những gương người tốt, việc tốt, đồng thời tích cực ngăn ngừa, cảnh báo, cảnh tỉnh, phê phán những việc làm sai trái.
Chào đón Xuân mới Mậu Tuất - 2018, tôi tin tưởng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tăng cường đoàn kết, chung sức đồng lòng, phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống văn hiến Việt Nam, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Qua báo Đại Đoàn Kết, tôi xin chúc đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài một năm mới an khang, thịnh vượng, mọi sự tốt lành; chúc những người làm Báo Đại Đoàn kết một năm mới tràn đầy hứng khởi và nhiều thành công mới!
Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư về cuộc trò chuyện này!
“Chào đón Xuân mới Mậu Tuất - 2018, tôi tin tưởng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tăng cường đoàn kết, chung sức đồng lòng, phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống văn hiến Việt Nam, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc. Qua báo Đại Đoàn Kết, tôi xin chúc đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài một năm mới an khang, thịnh vượng, mọi sự tốt lành; chúc những người làm Báo Đại Đoàn Kết một năm mới tràn đầy hứng khởi và nhiều thành công mới!” |