Ngày 10/12, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết giao ban Cụm thi đua Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh nam sông Hậu năm 2021 gồm 6 tỉnh: An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tại hội nghị giao ban, bà Khưu Đăng Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng, Cụm trưởng cụm thi đua Ủy ban MTTQ các tỉnh nam sông Hậu cho biết, trong năm 2021, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong Cụm đã có nhiều thành tích nổi bật.
Trong đó, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân không lơ là, chủ quan, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng; tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ủy ban MTTQ ở các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo trong tuyên truyền phòng, chống dịch, chủ động hỗ trợ người lao động tự do, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn, linh hoạt hình thức hỗ trợ với nhiều mô hình hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, giúp người dân an tâm vượt qua đại dịch.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ các tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức phát động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và tiếp nhận ủng hộ với tổng số tiền trên 299 tỷ đồng cùng số hàng hóa, hiện vật trị giá trên 575 tỷ đồng.
Từ nguồn tiếp nhận được, các tỉnh đã phân bổ 240 tỷ đồng, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch ở địa phương. Toàn bộ số vật tư, hàng hóa tiếp nhận đã được phân loại chuyển đến cho ngành y tế và chuyển hỗ trợ đồng bào đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hỗ trợ người dân trong các khu cách ly, phong tỏa.
“Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hưởng ứng "Tháng cao điểm vì người nghèo” năm 2021, Mặt trận các tỉnh trong Cụm đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp được 360,290 tỷ đồng.
Qua đó đã xuất quỹ để hỗ trợ sửa chữa 371 căn nhà, xây dựng mới 4.258 căn nhà Đại đoàn kết, tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi tặng quà, hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ học sinh và trợ giúp sản xuất cho hộ nghèo, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 297,211 tỷ đồng.
MTTQ các cấp trong Cụm còn phối hợp với các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo trong tỉnh vận động xây dựng nhà, đóng cây nước, xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn, hỗ trợ khám chữa bệnh, thăm hỏi ốm đau, phúng điếu, cấp phát thuốc, tặng học bổng, gạo, nấu cơm, cháo miễn phí, thực hiện các chương trình an sinh xã hội khác mang nhiều ý nghĩa thiết thực với tổng trị giá trên 817 tỷ đồng”, bà Khưu Đăng Phượng chia sẻ.
Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ các tỉnh nam sông Hậu đã đưa ra nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt, kiên trì thực hiện mục tiêu kép “vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội", bảo đảm đời sống nhân dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; vận động nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, công tác Mặt trận đã bám sát định hướng của Trung ương và đã thực hiện đảm bảo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, với các ngành triển khai hiệu quả các mặt công tác. Qua nhiều ý kiến phát biểu cũng đã nêu ra những mặt công tác hết sức nổi bật của các thành viên trong Cụm.
Trong đó, đều nhấn mạnh công tác bầu cử của các tỉnh nam sông Hậu trong năm 2021 đã đạt được kết quả hết sức đáng trân trọng. Công tác bầu cử đạt chất lượng cao, không có khiếu kiện, không có tình trạng bầu lại ở các địa phương. Đặc biệt, các cử tri tham gia bầu cử ở các tỉnh đều đạt trên 99%. Đó là sự tham gia hết sức tích cực của Mặt trận từ công tác tuyên truyền,vận động người dân cho đến việc tổ chức các hội nghị hiệp thương, tham gia vào các công việc bầu cử sau này.
Công việc nổi bật thứ hai đó là trong khó khăn của dịch bệnh Covid-19 thì vai trò của MTTQ được khẳng định rõ nét thông qua việc khai thác, vận động các nguồn lực của địa phương cũng như cầu nối của tỉnh để huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các địa phương, các tỉnh bạn phục vụ cho công tác phòng, chống Covid-19.
Trên tinh thần như vậy, chúng ta cũng khẩn trương hỗ trợ cho người dân, đảm bảo cuộc sống của người dân khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ lực lượng tuyến đầu để tạo sự yên tâm, góp phần thắng lợi cho việc phòng, chống Covid-19 cũng như cán bộ Mặt trận và các thành viên của Mặt trận cũng tích cực tham gia trực tiếp vào công tác bầu cử, vào vùng tâm dịch để phục vụ công tác bầu cử. Đó là những báo cáo hết sức tích cực của các thành viên trong Cụm.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, chương trình hành động của Ủy ban MTTQ các cấp trong Cụm bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên lựa chọn những vấn đề bức xúc trong nhân dân để chỉ đạo thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Công tác xây dựng củng cố tổ chức bộ máy luôn được quan tâm. Từ đó hoạt động của MTTQ các cấp trong Cụm được thuận lợi, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Năm 2022 sẽ là một năm tiếp tục có những diễn biến phức tạp do dịch Covid-19 tác động, với biến thể mới nguy hiểm hơn với sức khỏe, mức độ lân lan nhanh hơn, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, các tỉnh cần căn cứ vào sự lãnh đạo của tỉnh phối hợp với chính quyền và các cơ quan ban, ngành để xây dựng chương trình hành động năm 2022 phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới vừa phòng chống, kiểm soát dịch an toàn nhưng vừa phục hồi phát triển kinh tế để đảm bảo chăm lo cuộc sống cho người dân và thực hiện vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong hệ thống chính trị.
"Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vì vậy Mặt trận cần tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người khó khăn do dịch bệnh Covid-19; đồng thời Mặt trận cùng các cơ quan liên quan cần có những giải pháp, đề xuất với cấp ủy, chính quyền để tạo việc làm cho người dân trở về từ vùng dịch, đảm bảo cho người dân yên tâm xây dựng cuộc sống trên quê hương bằng các đề án cụ thể", Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.