Cho rằng các cơ quan được kiểm toán có quyền giải trình “đến bất cứ đâu”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định, KTNN chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Nếu sai, các đơn vị có quyền khiếu nại, và thậm chí có quyền kiện ra tòa.
Ông Hồ Đức Phớc.
Theo ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Bộ Tài chính (BTC) chịu trách nhiệm trả nợ và BTC giám sát việc sử dụng ngân sách. Đầu tư công cũng là một khoản ngân sách và phải quản lý sử dụng như ngân sách. BTC là người chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, tham mưu và chịu trách nhiệm trả nợ thì đầu mối chịu trách nhiệm, theo dõi quá trình sử dụng và quá trình trả nợ là đúng đắn.
Qua kiểm toán thì ông thấy cái gì là đe dọa lớn nhất đến nợ công của Việt Nam?
- Theo tôi, đó là quá trình quản lý, sử dụng thôi. Phải quản lý sử dụng một cách có hiệu quả. Tất nhiên phải tính đến toàn diện, tổng thể, ngay việc vay nợ phải thực sự cần thiết cho việc phát triển kinh tế-xã hội, dự án bức xúc, dự án có điều kiện phát triển kinh tế có hiệu quả.
Nhiều đại biểu cho rằng DNNN chính là 1 rủi ro. Ông có chia sẻ quan điểm này không?
- Tôi rất quan tâm đến DNNN, trong thời gian vừa qua, khối DNNN có nhiều khoản đầu tư không hiệu quả. Theo Luật Đầu tư công thì chỉ nợ do Chính phủ bảo lãnh mới được tính vào nợ công; nợ không có bảo lãnh của Chính phủ thì không phải. Tuy nhiên, nếu DNNN đổ vỡ, không trả được nợ thì cũng làm mất uy tín của chính phủ, cũng là vấn đề tiềm tàng rủi ro.
Kiểm toán không ngại tranh luận
Vừa rồi sau khi KTNN công bố kết quả kiểm toán thì khá nhiều đơn vị phản ứng, nói là họ khắc phục rồi, hoặc họ không được trao đổi về kết quả kiểm toán ấy, VD: Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, các bệnh viện.
- Trong quá trình kiểm toán, cơ quan kiểm toán thực hiện đúng chuẩn mực và quy trình của kiểm toán. Các cơ quan nói như thế là chứng tỏ thứ nhất là họ không trung thực, hoặc họ thiếu trách nhiệm. Vì trong quá trình làm, KTNN đã có sự trao đổi.
Thứ hai sau khi kết thúc, tổ kiểm toán làm biên bản kiểm toán phải có sự chứng kiến của đơn vị được kiểm toán và chúng tôi luôn có văn bản yêu cầu đơn vị được kiểm toán giải trình các vấn đề mà KTNN yêu cầu. Sau đó, KTNN mới tiến hành lên dự thảo báo cáo.
Dự thảo phải qua tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán rồi thông qua tổ kiểm toán, thông qua đoàn sau đấy mới Hội đồng cấp vụ duyệt. Đại diện lãnh đạo KTNN, có thể là Tổng Kiểm toán hoặc là Phó Tổng Kiểm toán mới duyệt lại lần cuối cùng, trong đó chú trọng xem xét hồ sơ tài liệu. Tức là những kết luận của kiểm toán có bằng chứng không, được thể hiện bằng văn bản, biên bản làm việc, biên bản của tổ, chứng từ hồ sơ...
Tôi nói lại, những người nói như thế, có thể một là họ không trực tiếp (theo dõi quá trình kiểm toán) hoặc họ thiếu trách nhiệm, sai rồi lại không chịu sửa.
Như vậy, theo ông, các kết quả đã được thể hiện trên báo cáo kiểm toán là trung thực?
- Và có bằng chứng kèm theo. Trong Luật Kiểm toán Nhà nước quy định, các đơn vị được kiểm toán nếu không đồng tình có thể kiện ra tòa. Tức là nếu không đồng tình, các cơ quan đơn vị cứ kiện thoải mái.
Vừa rồi có ý kiến cho rằng nếu là kết quả kiểm toán chính thức thì phải thể hiện trong báo cáo chứ không phải trong footnote (chú thích chân trang) như báo cáo kiểm toán?
- Bởi vì mỗi một đơn vị có một báo cáo kiểm toán. Còn cái này là báo cáo tổng hợp, nên không thể đưa hết các nội dung vào. Một năm, KTNN làm 300 cuộc kiểm toán, mà một cuộc như vậy cũng có báo cáo khoảng 50 trang, thì không thể đưa vào hết được. Đây là những cái trọng tâm nhất, còn footnote là để chúng tôi dẫn chứng minh họa, cụ thể là đơn vị nào vi phạm.
Như ông vừa nói, trong quá trình làm việc, không phải cái gì 2 bên thống nhất được với nhau mới đưa vào báo cáo kiểm toán đúng không ạ?
- Đương nhiên. Về phía cơ quan kiểm toán, chúng tôi bao giờ cũng đề nghị đơn vị được kiểm toán giải trình một cách dân chủ. Chúng ta phải đi đến tận cùng, gốc rễ của sự việc, xem thử anh giải trình việc này thế nào, có đúng luật không. Sau giải trình của anh thì tôi đưa ra bằng chứng, thậm chí là có tranh luận với nhau. Còn khi đã có kết luận là KTNN chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Nếu sai, các đơn vị có quyền khiếu nại, và thậm chí có quyền kiện ra tòa.
“Chúng tôi không chịu sức ép nào”
Có một ví dụ, Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã nói trao đổi rất nhiều lần và không đồng ý với kết quả kiểm toán, nhưng KTNN vẫn ra kết luận.
- Phản ứng của Bộ Kế hoạch-Đầu tư tôi cho là cũng không đúng. Ở đây chúng tôi mới nói chuyện thủ tục sai, thẩm quyền trong quá trình tiến hành không đúng, chưa nói đến trách nhiệm về thất thoát, lãng phí.
Ví dụ họ phản ứng 18 dự án đấy mình kết luận là không đúng bởi vì khi phân bổ họ ghi theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. KTNN hỏi rõ là nếu làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì văn bản nào, công văn nào, hay thông báo làm việc nào, hoặc chẳng hạn bút phê nào thì không có. Vậy là họ làm không đúng rồi chứ còn gì nữa.
Hai nữa họ nói phân bổ 11 lần do Luật Đầu tư công. Họ là người chủ trì soạn thảo Luật này, theo chỉ đạo của Chính phủ và theo Luật Ngân sách 2012 và theo Luật Đầu tư công thì phải phân bổ trước 31/12, nhưng họ phân bổ tới 11 lần mà chỉ có 1 lần trước ngày 31/12 thì rõ ràng 10 lần sau là sai. Vân vân.
Mấy năm vừa rồi đã có phản ứng nào của các bộ mà KTNN phải nhận sai và sửa chưa?
- Ít lắm. Từ khi tôi về làm Tổng Kiểm toán đến giờ thì chưa xảy ra việc này.
Theo thông tin chúng tôi được biết thì hình như Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã gửi kiến nghị lên Quốc hội đề nghị xem xét. Ông có biết thông tin đấy không?
- Họ gửi lên đâu là quyền của họ. Nhưng KTNN kết luận là phải có đầy đủ bằng chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật. KTNN cho rằng sai thì phải sửa và sai phải sửa thì mới trung thực, có trách nhiệm.
Nếu cần, KTNN cũng sẽ tổ chức họp báo để đưa ra bằng chứng anh sai phạm. Chúng tôi đã đưa ra Quốc hội có nghĩa là có đủ bằng chứng và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, đại diện cho toàn dân.
Khi sửa Hiến pháp, nhiều người rất kỳ vọng vào sự độc lập của một chế định độc lập là KTNN, mấy năm gần đây rõ ràng yêu cầu của Quốc hội đối với kiểm toán cũng cao hơn. KTNN có chịu sức ép nào để khó đảm bảo tính độc lập của mình không?
- Tôi cho là không có sức ép nào cả. KTNN thực hiện đảm bảo tính độc lập và tuân theo pháp luật. Hoạt động kiểm toán còn thực hiện theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, đúng Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 đã ban hành.
Khi KTNN gửi các văn bản đến các đối tượng được kiểm toán giải trình thì họ có hợp tác có cao không? Có bao giờ khi đề nghị giải trình thì họ không trả lời nhưng sau khi kết luận lại phản ứng?
- Không. Thường là họ trả lời, họ vẫn gửi văn bản giải trình đến. Tuy nhiên tùy thuộc vào việc giải trình ấy có phù hợp với luật pháp hay không để KTNN kết luận và kiến nghị.
Hoàn thiện chính sách về BOT
Trong Chuyên đề BOT, KTNN đã chỉ ra rất nhiều vấn đề còn tồn tại về cơ chế.
Theo ông Hồ Đức Phớc, trong báo cáo tổng hợp có kiến nghị chẳng hạn về khoảng cách giữa các trạm BOT, quyết toán, đàm phán, việc lựa chọn chủ đầu tư, lựa chọn phương thức với các dự án này gần như có hết vì đây là một chuyên đề và mỗi dự án BOT thì đều có báo cáo kiểm toán. “Vừa rồi trong năm 2016 chúng tôi làm được 27 dự án, kiến nghị giảm trừ 107,4 năm và năm nay chúng tôi sẽ làm tiếp 24 dự án”.
Đến bao giờ thì có kết quả 24 dự án này?
- Dự kiến khoảng tháng 10 năm nay.
KTNN có đề cập đến việc trước đây, chúng ta quy định vốn của chủ đầu tư là quá thấp, hầu như là tiền đi vay nên gánh nặng nợ vay là rất lớn và bị tính vào phí, tức là tính vào đầu người sử dụng đường; phải nâng tỷ lệ này lên. Cụ thể KTNN kiến nghị nâng lên bao nhiêu %?
- Chúng tôi có kiến nghị nhiều cơ chế, nhưng việc hoàn thiện cơ chế thì Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ trình với Chính phủ để hoàn thiện chính sách một cách khoa học, thích hợp nhất và cũng là tạo điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng tốt nhất.
27 dự án mà KTNN đã làm thì đã có dự án nào Bộ GTVT đã quyết toán chưa. Một trong những lý do Bộ GTVT chưa nhận trách nhiệm của mình một cách đến nơi là họ nói họ chưa quyết toán dự án nào, nên kiến nghị giảm thu bao nhiêu năm bộ cũng có vẻ “vô can”. Nếu đã quyết toán thì trách nhiệm của Bộ GTVT phải rõ ràng hơn, đúng không ạ?
- Đúng như vậy. Hiện nay, các dự án BOT đang thực hiện quyết toán. Sau khi có kết luận của KTNN thì Bộ GTVT đang chỉ đạo lại để quyết toán lại các dự án.