Cho đến nay, Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã hoàn thành kiểm tra việc Tổng rà soát chính sách đối với người có công ở các tỉnh: Kon Tum, Phú Thọ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Khánh Hòa. Những con số từ việc tổng hợp đơn thư gửi về Ủy ban TW MTTQ Việt Nam trong công tác thực hiện chính sách đối với người có công với nước cho thấy nỗ lực, quyết tâm của người Mặt trận trong việc làm nhiều ý nghĩa này.
Ảnh minh họa.
Nguồn: doisongphapluat.com
Theo số liệu tổng hợp từ sau Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Chương trình đến ngày 24/6/2015, số người được hưởng đúng khoảng 96,26%. Trong đó đã phát hiện số người hưởng sai: 2.901 trường hợp. 64.727 trường hợp kê khai chưa được xác nhận người có công để hưởng chế độ. Hiện nay công tác giải quyết hậu rà soát đang được tích cực triển khai.
Đến ngày 20/7/2015 đã có 34 tỉnh, thành phố báo cáo kết quả giải quyết của địa phương báo cáo về Bộ phận thường trực Tổng rà soát của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, 135 trường hợp đã được xem xét, giải quyết.
Qua báo cáo cho thấy, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố đã thẩm tra các nội dung phản ánh, kiến nghị, đề xuất nêu trong đơn, thư của công dân địa phương mình. Các địa phương cũng kịp thời ban hành các văn bản đề xuất các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền, chủ yếu đề xuất với các đơn vị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở Y tế…
Đối với các cơ quan Trung ương, Bộ phận thường trực Tổng rà soát đã nhận được văn bản trả lời của Ban Tổ chức Trung ương; Cục Quản lý khám chữa bệnh và Thanh tra Bộ Y tế; Cục Bảo trợ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Có thể nói, Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công đã đạt được mục tiêu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 và Chương trình phối hợp số 4836/Ctr-BLĐTBXH-MTTW ký ngày 5/12/2013 giữa Ban Thường trực Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH.
Các chính sách đối với 7 nhóm đối tượng người có công là liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong đã được tổ chức rà soát toàn diện, cụ thể, công khai và minh bạch từ cấp xã với sự quan tâm của đông đảo nhân dân.
Đặc biệt tổ chức tốt công tác tuyên truyền về Chương trình Tổng rà soát trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, đặc biệt là ở các xã, phường, thị trấn, khu dân cư với phương châm người dân “4 biết” (biết về chương trình tổng rà soát; biết thời gian kết thúc Chương trình; biết địa chỉ phản ánh, thông tin; biết địa điểm niêm yết danh sách và thời gian niêm yết).
Quá trình tổng rà soát cho thấy, đến nay 12 tỉnh, thành phố không có trường hợp nào hưởng sai: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các tỉnh, thành phố sớm giải quyết các trường hợp hưởng thiếu như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng. Các tỉnh, thành phố sớm giải quyết các trường hợp đề nghị hưởng như: Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Lâm Đồng.
Kết quả này khẳng định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người có công và việc thực hiện chính sách đối với người có công về cơ bản là đúng đối tượng, đủ chính sách và kịp thời về thời gian.
Có được những thành công trên là do đợt Tổng rà soát đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ và Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo; thành lập các Ban chỉ đạo ở các cấp và Tổ rà soát tại cộng đồng dân cư theo đúng quy định; tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc ghi phiếu, phân loại và tổng hợp đối tượng cụ thể và chu đáo đảm bảo tính chính xác của công tác rà soát.