Tổng Thanh tra Chính phủ: 'Xử lý sau thanh tra còn hạn chế'

Việt Thắng 05/11/2022 11:46

Trong 9 tháng đầu năm các cơ quan đã xử lý hành chính hơn 1.700 tổ chức, gần 4.500 cá nhân, và chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng.

Ngày 5/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã trả lời chất vấn. ĐB Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) cho rằng, ngành thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. “Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả xử lý với tập thể, cá nhân, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng; những tồn tại là gì?”, ông Công hỏi.

ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cũng cho biết, hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh. Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp để phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này?

Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong 9 tháng đầu năm các cơ quan đã xử lý hành chính hơn 1.700 tổ chức, gần 4.500 cá nhân, và chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng. Tuy nhiên việc xử lý sau thanh tra còn hạn chế.

Lý giải về việc trên, theo ông Phong nguyên nhân là theo Luật Cán bộ công chức, thẩm quyền kỷ luật cán bộ công chức do người đứng đầu quản lý tiến hành theo phân cấp và thông qua hội đồng kỷ luật. Theo đó, cơ quan thanh tra không có quyền xử lý, mà chỉ kiến nghị.

“Như vậy có sự khác nhau về chế tài giữa xử lý kỷ luật Đảng. Khi phát hiện sai phạm, Uỷ ban Kiểm tra có thể thực hiện ngay quy trình xử lý cán bộ, còn thanh tra phải kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền xử lý”-ông Phong nói và cho rằng cũng còn quy định khác nhau về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng và hành chính.

Đơn cử theo Trưởng ngành Thanh tra, chẳng hạn thời hiệu xử lý khiển trách về Đảng là 5 năm, hành chính là 2 năm; cảnh cáo thì Đảng là 10 năm, còn hành chính là 5 năm. Vì thế, có trường hợp đề nghị kỷ luật Đảng khi xem xét thì thời hiệu xử lý hành chính đã hết. Chính phủ đang đề xuất sửa đổi thời hiệu xử lý giữa Đảng và hành chính để không còn “vênh” nhau.

Về tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng tăng mạnh, ông Phong cho biết, qua thanh tra, các cơ quan nhận thấy có thực trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công vụ, trong đó có cả cán bộ lĩnh vực thanh tra. Còn tình trạng cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân, trả lời chung chung, khiến họ phải đi lại nhiều lần. Thậm chí, có tình trạng vòi vĩnh bằng nhiều cách thức khác nhau để vụ lợi cá nhân. Do đó cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tránh gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tình trạng giấy phép con.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng Thanh tra Chính phủ: 'Xử lý sau thanh tra còn hạn chế'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO