Người Phát ngôn Nhà Trắng Psaki cho biết, Tổng thống Biden tiếp tục tin tưởng rằng, dự án Nord Stream 2 là một thỏa thuận tồi đối với các nước châu Âu.
Ngày 27/1 (giờ Việt Nam), Người Phát ngôn Nhà Trắng Jan Psaki nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ xem xét các biện pháp do chính quyền trước đó thực hiện đối với dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2.
Tuy nhiên, bà Psaki cũng cho biết thêm, Tổng thống Biden tiếp tục tin tưởng rằng, dự án Nord Stream 2 là một thỏa thuận tồi đối với các nước châu Âu.
“Chúng tôi biết rằng chính quyền trước đây đã áp đặt các hạn chế mới đối với các hoạt động liên quan đến dự án (Nord Stream 2) theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng và chúng tôi sẽ xem xét các biện pháp đó. Và vì vậy, Tổng thống Biden mong muốn tiếp tục tham vấn các đối tác châu Âu về vấn đề này”, bà Psaki nói.
Trước đó, ngày 25/1, nhà điều hành đường ống Nord Stream 2 AG ra thông báo cho biết, tàu đặt đường ống Fortuna của Nga đã bắt đầu hoạt động ở vùng biển Đan Mạch.
Ngày 19/1, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tàu Fortuna và chủ sở hữu của nó là KVT-Rus về tuyến đường xuất khẩu khí đốt. Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào tàu chở dầu Maksim Gorki, Rustanker của Nga và tàu chở dầu Sierra liên quan.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phản đối một loạt biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ mới nhất mà Mỹ đã giáng vào các công ty liên quan đến việc thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.
"Các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ, trong mọi trường hợp, là biện pháp mà tôi cho là không phù hợp", bà Merkel nói với các phóng viên.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas, cho biết, Berlin coi “các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ này (đối với Nord Stream 2) là không liên quan”.
Người đứng đầu mới Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền của Đức Armin Laschet cũng cân nhắc về vấn đề này, cho rằng tiến độ của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 không nên phụ thuộc vào tình hình xung quanh nhân vật đối lập Nga Alexey Navalny.
“Việc tấn công Alexey Navalny phải bị lên án mạnh mẽ. Bây giờ Nga phải bắt giữ những kẻ đứng sau vụ tấn công thay vì bắt giữ Navalny. Tôi cũng muốn anh ấy được thả ngay lập tức. Nhưng vấn đề vận chuyển khí không phụ thuộc vào điều đó”, ông Laschet chia sẻ trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung hôm 22/1.
Dự án Nord Stream 2 dự kiến xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt chở tới hai nghìn tỷ khối khí đốt mỗi năm từ Nga đến Đức dưới Biển Baltic. Mỹ, quốc gia đang xúc tiến bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng của mình cho EU, phản đối kịch liệt kế hoạch này, Ukraine và một số nước châu Âu khác cũng vậy.