Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa chính quyền của ông với báo giới Mỹ sau khi tuyên bố trong hôm 26/2 rằng ông sẽ không tham dự bữa tối với các nhà báo tại Nhà Trắng trong năm nay, một sự kiện dự kiến được tổ chức vào ngày 29/4 tới.
Quan hệ chông gai giữa chính quyền Tổng thống Trump và báo giới tiếp tục nổi bật trong hôm 26/2. (Nguồn: NPR).
“Tôi sẽ không tham dự bữa tối với Hiệp hội các Phóng viên trong năm nay nữa” - Tổng thống Trump viết trên Twitter - “Hy vọng mọi người vui vẻ và có một buổi tối tốt lành!”.
Tuyên bố trên xuất hiện trong lúc mà quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Trump và các hãng truyền thông, các tổ chức mà ông gọi là “kẻ thù của người dân Mỹ”, đã xuống mức thấp kỷ lục. Trước đó, hôm 25/2, hàng loạt các hãng tin hàng đầu bao gồm New York Times, CNN, Guardian, BBC… đã bị loại khỏi một cuộc họp báo do phụ trách báo chí Nhà Trắng Sean Spicer tổ chức.
Nhiều chủ biên của các tờ báo trên đã thể hiện rõ sự phẫn nộ của mình, trong khi Chủ tịch Hiệp hội các Phóng viên Nhà Trắng (WHCA), ông Jeff Mason của hãng tin Reuters, đã cố gắng làm dịu bầu không khí.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 26/2, ông Mason nói rằng WHCA “đang hướng tới sự kiện bữa tối” và thêm rằng: “WHCA có biết về tuyên bố của ông Trump trên Twitter rằng ông sẽ không tham dự bữa tối này. Sự kiện trên luôn luôn và vẫn sẽ là đóng một vai trò quan trọng được đóng góp bởi các hãng tin độc lập”.
“Chúng tôi vẫn hướng tới sự kiện này, nhằm nêu bật tầm quan trọng của báo chí chính trị trong năm qua và công nhận một số phóng viên hứa hẹn sẽ đại diện cho thế hệ các nhà báo mới trong tương lai” - ông Mason nói.
Tổng thống Trump trong thời gian qua đã thể hiện phản ứng phẫn nộ của mình trước hàng loạt các bài viết dẫn nguồn giấu tên của Nhà Trắng, các cơ quan hành pháp và cơ quan tình báo liên quan tới sự hỗn loạn trong chính phủ của ông, các cáo buộc liên quan tới mối liên lạc giữa đội ngũ của ông và giới chức Nga..v.v…
Mối quan hệ chông gai giữa Tổng thống Trump và giới truyền thông Mỹ đã khiến cho một số lượng không nhỏ các hãng thông tấn rút khỏi sự kiện bữa tối của giới phòng viên Nhà Trắng và các sự kiện liên quan.
Trong tuần qua, hãng tin Bloomberg đã theo gót Vanity Fair và tờ New Yorker, tuyên bố rằng họ sẽ không tổ chức chức một sự kiện bên lề bữa tối này. Tờ New York Times đã không tham dự sự kiện này từ năm 2008, trong khi hãng tin Guardian sẽ dự sự kiện năm nay.
Trước đó, hôm 24/2, Nhà Trắng đã đưa ra một danh sách các đơn vị truyền thông lớn không được phép tham dự phiên họp báo của thư ký báo chí Nhà Trắng, bao gồm kênh CBS, các tờ The New York Times, Politico, The Los Angeles Times, BuzzFeed. Theo Reuters, chỉ hãng thông tấn này và khoảng 10 tổ chức truyền thông khác được phép tham dự.
Việc đưa ra danh sách trên không đi kèm cùng một lý do cụ thể, đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của báo giới. Đây là những hãng bị Tổng thống Trump cáo buộc đưa những thông tin sai sự thật gây khó dễ cho cá nhân ông.
Tuần qua cũng cho thấy một mục tiêu mới mà ông Trump nhằm vào - hãng CNN.
Tổng thống Trump trong khi đó vẫn tiếp tục luận điệu chỉ trích báo giới của mình hồi cuối tuần trước, khi viết trên tài khoản Twitter cá nhân rằng: “Hãng truyền thông tin giả không hề nói lên sự thật. Một sự nguy hiểm đối với đất nước chúng ta. New York Times đã trở thành một trò đùa, CNN cũng vậy. Thật đáng buồn!”.
Được biết, sự kiện bữa tối các phóng viên Nhà Trắng là một truyền thống lâu năm ở nước Mỹ, nơi tụ họp các nhà báo kỳ cựu, những người nổi tiếng và cả các nghệ sỹ hài có tiếng. Sự kiện này thường bao gồm cả một bài phát biểu của Tổng thống Mỹ.
Sự kiện bữa tối đầu tiên được tổ chức vào năm 1921 và ông Calvin Coolidge là vị Tổng thống đầu tiên tham dự sự kiện này, vào năm 1924. Kể từ đó, mỗi đời Tổng thống Mỹ đều tham dự sự kiện này ít nhất một lần trong quãng thời gian đương nhiệm của mình tại Nhà Trắng.
Trong năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan đã không thể tham dự sự kiện này sau khi bị bắn, và Tổng thống Jimmy Carter và Richard Nixon cũng không thường xuyên tham dự sự kiện này. Tổng thống Barack Obama thì khác biệt hẳn khi tham dự bữa tối cùng báo giới tới 9 lần khi ông còn đương nhiệm.
Theo History Channel, sự kiện này từng 3 lần bị hủy: Thứ nhất là sau cái chết của Tổng thống William Howard Taft hồi năm 1930, thứ hai là sau khi Mỹ tham gia Thế chiến II năm 1942 và trong năm 1951 khi Chiến tranh Triều Tiên diễn ra.
Hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Trump cũng đã hủy tham gia bữa tối Alfalfa Club, một sự kiện quan trọng khác mà trong đó Tổng thống Mỹ tham gia với tư cách một thành viên không thuộc CLB.