Ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) mới đây đã có bài viết trên tờ Nikkei Asia, kêu gọi các quốc gia tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Ý kiến của ông đưa ra trong bối cảnh thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng dầu mỏ, khí đốt cũng như sự ấm lên của Trái đất gây ra sự biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt.
Trong bài viết của mình, Tổng Thư ký LHQ bày tỏ quan ngại tất cả các chỉ số khí hậu tiếp tục phá vỡ kỷ lục, dự báo một tương lai của những cơn bão dữ dội, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và nhiệt độ cao hủy diệt sự sống khắp các vùng đất rộng lớn của hành tinh.
Thế giới của chúng ta phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu.
Chứng “nghiện” nguyên liệu hóa thạch
Theo ông Guterres, nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân gây ra khủng hoảng khí hậu và năng lượng tái tạo là câu trả lời để hạn chế tác động tiêu cực của khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng.
“Nếu chúng ta đầu tư sớm hơn và nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, chúng ta sẽ không thấy mình một lần nữa phải chịu tổn thương từ thị trường nhiên liệu hóa thạch không ổn định. Năng lượng tái tạo là kế hoạch hòa bình của thế kỷ 21.
Nhưng cuộc chiến để có được sự chuyển đổi năng lượng nhanh chóng và công bằng không hề dễ dàng. Các nhà đầu tư vẫn đang ủng hộ nhiên liệu hóa thạch và các chính phủ vẫn chi hàng tỉ USD trợ cấp cho than, dầu và khí đốt - khoảng 11 triệu USD mỗi phút”- Tổng Thư ký LHQ chỉ ra và cho rằng thế giới đang bị “nghiện” nhiên liệu hóa thạch.
“Chúng tôi cần sự khẩn trương hơn nữa từ tất cả các nhà lãnh đạo toàn cầu. Chúng ta đã gần chạm đến giới hạn 1,5 độ C mà khoa học cho chúng ta biết là mức độ ấm lên tối đa để tránh những tác động xấu nhất của khí hậu. Để giữ cho 1,5 độ C tồn tại, chúng ta phải giảm lượng phát thải 45% vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. Nhưng các cam kết quốc gia hiện tại sẽ dẫn đến mức tăng gần 14% trong thập niên này. Đó là một thảm họa”- ông Guterres nói.
Cuộc chiến để từ bỏ năng lượng hóa thạch (chủ yếu là dầu mỏ và than đá) đã được phát động từ nhiều năm. Nhưng thực tế chiến thắng vẫn chỉ là kỳ vọng phía trước. Bằng chứng rất sinh động hiện cho thấy, dầu mỏ vẫn là nguồn nhiên liệu được săn lùng trên phạm vi toàn cầu.
Kể từ tháng 2/2022, giá dầu thô đã bắt đầu nhích lên. Cho đến ngày 7/3, nó đứng ở mốc 130 USD/thùng (tính trung bình cho các loại dầu thô). Trong khi, với tất cả các nhà khai thác, nếu đạt 40 USD/thùng thì đã có lãi.
Cho đến thời điểm tuần thứ 2 của tháng 7/2022, giá dầu thô vẫn trên dưới 100 USD/thùng, trong khi giới chuyên gia kinh tế - địa chính trị cho rằng nếu chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài và các biện pháp cấm vận của phương Tây đối với Nga siết chặt hơn, thì “cuộc chiến dầu mỏ” vẫn sẽ rất khó lường.
“Vì vậy, tất cả chúng ta hãy đồng ý rằng một cuộc cách mạng năng lượng tái tạo nhanh chóng là cần thiết và hãy ngừng loay hoay khi tương lai của chúng ta bùng cháy” - Tổng Thư ký LHQ nói.
32.000 lời biện hộ
Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, không có lý do gì để bất cứ ai từ chối cuộc cách mạng năng lượng tái tạo. Khi giá dầu và khí đốt tăng cao “tưởng chừng vô hạn” thì chắc chắn năng lượng tái tạo đang ngày càng rẻ hơn.
Chi phí năng lượng mặt trời và pin đã giảm 85% trong thập kỷ qua. Chi phí năng lượng gió đã giảm 55%. Và đầu tư vào năng lượng tái tạo tạo ra nhiều việc làm gấp ba lần so với nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, không phải chính phủ nào, tập đoàn kinh tế nào cũng thừa nhận điều đó. Vì rằng, lợi nhuận thu được từ nhiên liệu hóa thạch là rất lớn. Thêm nữa, công nghệ, kỹ thuật, hạ tầng nền móng của nhiên liệu hóa thạch đã có sẵn, bỏ đi để làm lại một hệ thống hoàn toàn mới là chi phí khổng lồ.
Vào khoảng tháng 10/2021, trong khi cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn cam go, thì dư luận thế giới lại bất ngờ trước thông tin một số quốc gia đang cố gắng tìm cách chỉnh sửa một bản báo cáo khoa học quan trọng về cách chống biến đổi khí hậu. Đó là những quốc gia không muốn nhanh chóng chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch khác.
Tài liệu rò rỉ này cũng chỉ ra rằng một số nước giàu trên thế giới đang chất vấn về việc chi thêm tiền cho các nước nghèo hơn để họ chuyển sang những công nghệ thân thiện hơn với môi trường. Điều đó cho thấy, vì lợi nhuận, họ đã phản kháng lại khuyến nghị hành động của LHQ giữ cho Trái đất không ấm lên.
Tài liệu bị rò rỉ bao gồm hơn 32.000 lời biện hộ của chính phủ các nước, các công ty và những bên có lợi ích gửi tới đội ngũ các nhà khoa học thực hiện bản báo cáo của LHQ về cách thức ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Giáo sư Corinne le Quéré - Trường Đại học East Anglia, nhà khoa học hàng đầu về khí hậu, cho biết, dẫu sức ép lớn đến đâu “thì chúng ta vẫn phải đưa ra những cảnh báo khoa học. Đó là xác định lỗi cơ bản của nhiên liệu hóa thạch làm tăng nhiệt độ Trái đất cũng như phát thải ô nhiễm môi trường.
Bà Corinne cũng cho biết, việc các nước giàu sẽ cung cấp nguồn tài chính 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển vào năm 2020 đã được đưa ra tại hội thảo khí hậu ở Copenhagen năm 2009, thế nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
“Bây giờ hoặc không bao giờ”
Việc hạn chế sự nóng lên ở mức khoảng 1,5 độ C đòi hỏi lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phải đạt mức đỉnh điểm muộn nhất là trước năm 2025.
“Nếu chúng ta muốn hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C thì thời điểm là bây giờ hoặc không bao giờ”- đó là điểm nhấn mạnh trong phần thứ 3 của báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được công bố mới đây.
Báo cáo này lên tới 10.000 trang, được coi là báo động đỏ mới nhất do LHQ đưa ra. 2 báo cáo trước đó công bố tháng 8/2021, tháng 2/2022.
Cộng cả những lần trước đó, thì báo cáo này được thực hiện trong vòng 8 năm, bởi 268 nhà khoa học, chuyên gia đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước khi nó được công bố rộng rãi thì đại diện các bên liên quan đã xem xét bản tóm tắt dài gần 300 trang của IPCC. Nội dung xem xét gồm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thu gom, xử lý các khí thải này trong không khí.
Bất chấp những cảnh báo về biến đổi khí hậu do IPCC đưa ra từ năm 1990, lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ qua, đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Kết quả là lượng khí thải toàn cầu đang trên đà vượt qua giới hạn nóng lên 1,5 độ C được đưa ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 và dự báo sẽ đạt khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Lượng phát thải đã tăng trên tất cả các lĩnh vực, nhưng chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp. Khoảng 34% lượng phát thải của con người đến từ lĩnh vực cung cấp năng lượng, 24% từ công nghiệp, 22% từ nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, 15% từ giao thông và 6% từ các tòa nhà.
Tiến sĩ Celine Guivarch - nhà kinh tế học, đồng tác giả bản Báo cáo dài 10.000 trang, nhấn mạnh, điểm nhấn chính là loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nền kinh tế toàn cầu và hướng tới các nguồn năng lượng phát thải thấp hoặc không phát thải, như năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân và hydro. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời rẻ, sạch, an toàn nếu được mở rộng sẽ là xương sống của hệ thống điện trong tương lai.
“Nhưng hiện tại, các chính phủ đang không hành động với mức độ khẩn cấp cần thiết, cho dù sự hiện diện của điện gió và điện mặt trời cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Chúng ta cần nhớ rằng, nếu tình trạng ấm lên ở mức 2 độ C thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm từ 1,3% đến 2,7%”- Tiến sĩ Celine Guivarch nói.
Ông Laurence Tubiana - Giám đốc điều hành Tổ chức Khí hậu châu Âu, cho rằng, Báo cáo mới nhất của IPCC nêu rõ rằng cách nhanh nhất mà các chính phủ có thể đảm bảo an ninh năng lượng là dịch chuyển khỏi các tài sản nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tăng cường chi phí đầu tư vào năng lượng sạch.
Cơ sở hạ tầng khí đốt, dầu mỏ và than không chỉ làm tăng thêm sự khắc nghiệt về khí hậu mà chúng ta đã phải đối mặt mà còn tạo ra vòng xoáy địa chính trị đáng sợ của nhiên liệu hóa thạch, vốn thường có liên quan đến căng thẳng, xung đột và biến động kinh tế vĩ mô.
Về phần mình, bà Jennifer Morgan - Giám đốc điều hành của tổ chức Greenpeace International, cho rằng: “Vì lợi ích của tất cả các quốc gia, bao gồm cả những quốc gia vẫn sử dụng than, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đòi hỏi các quốc gia giàu có cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ sự chuyển dịch này. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều đó”.