Đưa ra dẫn chứng lập luận cho thế giới hòa bình, Top 10 thí sinh Miss Grand Vietnam 2022 gây xúc động vì những câu chuyện, lý lẽ truyền cảm hứng, góp phần lan tỏa những hành động, thông điệp ý nghĩa.
Mỗi người một quan điểm, Top 10 thí sinh xuất sắc trong đêm chung kết Miss Grand Vietnam lấy được sự đồng cảm của khán giả khi nói về đất nước hòa bình.
Là thí sinh đầu tiên bước vào phần thi hùng biện, Đỗ Trần Tuệ Anh bày tỏ quan điểm về những giá trị gia đình. Cô cho rằng nếu muốn thế giới hòa bình hơn thì hãy yêu thương người thân trong gia đình. Trân trọng giá trị truyền thống của dân tộc giúp cô hiểu thêm về giá trị hòa bình mang lại.
Người đẹp nhấn mạnh: "Hòa bình đến từ những thứ nhỏ nhặt nhất, giống như lòng tốt có thể làm xóa tan bạo lực, hiềm khích".
Còn thí sinh Trần Tuyết Như thấy may mắn và biết ơn khi được sống trên một đất nước hòa bình. Người đẹp nêu lên vấn đề bạo lực gia đình hiện nay, mà nạn nhân là phụ nữ.
"Chúng ta phải quyết liệt lên án, xóa bỏ hành động bạo lực đối với phụ nữ trong xã hội", cô nhấn mạnh. Tuyết Như cho rằng phụ nữ Việt Nam xứng đáng được yêu thương, học tập và cống hiến”, Tuyết Như nhấn mạnh.
Với Ngô Thị Quỳnh Mai, hòa bình là khi không còn bạo lực ngôn ngữ bởi bản thân từng là nạn nhân của bạo lực mạng. Do đó, người đẹp mong mọi người sống yêu thương để xây dựng một thế giới không còn bạo lực.
Thí sinh Nguyễn Thị Hồng Tuyết nói về vấn đề thiên tai xảy ra, một phần vì con người không biết bảo vệ môi trường. Cô cho rằng nếu không có sự giúp đỡ của môi trường thì con người không thể có cuộc sống tươi đẹp và phát triển như vậy. "Những cánh rừng luôn cho ta không khí để thở và không bao giờ thải khí độc. Vậy mà hằng ngày rừng vẫn bị tàn phá, muôn loài vẫn bị kẹt trong rác", cô nói. Đồng thời, người đẹp đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng hòa bình giữa con người và thiên nhiên như xây dựng lối sống xanh, giảm rác thải, trân trọng bầu khí quyển, trân trọng nguồn nước.
Trần Nguyên Minh Thư cho rằng chiến thắng là điều không cần đến. Đến với cuộc thi, người đẹp mong muốn lan tỏa thông điệp: "Chúng ta đều có thể tạo ra hòa bình, hãy loại bỏ suy nghĩ tiêu cực và lấp đầy tình yêu thương".
Bùi Lý Thiên Hương cho rằng bạo lực, chiến tranh là vấn đề nhiều quốc gia quan tâm. Cô nêu lên hệ quả của vấn đề này và kêu gọi mọi người hành động vì hòa bình. "Hãy nhìn nhận bản thân và loại bỏ suy nghĩ, hành động tiêu cực vì nhân chi sơ, tính bổn thiện", cô bày tỏ. Người đẹp quê An Giang hi vọng có thể giành chiến thắng để có thể lan tỏa yêu thương, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Chu Lê Vi Anh cho rằng sau khi chiến tranh đi qua, người Việt phải đối mặt với cuộc chiến giành công bằng cho nạn nhân chất độc da cam, xóa bỏ bất bình đẳng giới... "Chúng ta có quyền, có thể lên tiếng về một thế giới hòa bình, hạnh phúc", cô nhấn mạnh.
Chế Nguyễn Quỳnh Châu cho rằng bản năng của mỗi người là yêu hòa bình. "Nếu trong cuộc sống vẫn còn miệt thị ngoại hình, phân biệt giới tính, chủng tộc.. thì thế giới đâu còn hòa bình", cô nhấn mạnh. Người đẹp quê Lâm Đồng mong mọi người quan tâm đến lời nói, hành động với những người xung quanh và sẵn sàng hành động vì hòa bình.
Đoàn Thiên Ân chia sẻ hòa bình sẽ không bền vững nếu như vấn đề bạo lực chưa được giải quyết. Cô thừa nhận bản thân từng là nạn nhân của miệt thị ngoại hình sau khi tăng cân.
"Mọi người cần phải lên tiếng ngăn chặn vấn đề bạo lực ngôn từ vì có rất nhiều người chọn cách rời bỏ thế gian này vì lời nói miệt thị từ người khác", người đẹp quê Long An nhấn mạnh.
Kết thúc phần thi ứng xử, Lê Thị Minh Phượng cho rằng dù chiến tranh kết thúc nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Cô cho rằng bảo vệ hòa bình là trách nhiệm của mọi người, mọi quốc gia trên thế giới. Trong đó, việc xây dựng mối quan hệ thân thiện, bình đẳng là điều cần thiết.
Trước đó, người đẹp Lê Minh Phượng là thí sinh nhận được sự bình chọn nhiều nhất của khán giả và được đặc cách vào Top 10. Sau phần thi hùng biện, Top 5 thí sinh được gọi tên: Trần Nguyên Minh Thư, Trần Tuyết Như, Chế Nguyễn Quỳnh Châu, Đoàn Thiên Ân, Ngô Thị Quỳnh Mai. Top 5 sẽ tiếp tục thi ứng xử để tìm ra 2 thí sinh xuất sắc.