Từ giữa tháng 11/2015 đến nay, dư luận ở thành phố Cà Mau hết sức ngỡ ngàng khi có thông tin UBND TP. Cà Mau chìm trong bể nợ nần, với số tiền lên đến gần 300 tỉ đồng. UBND TP Cà Mau liên tục có các tờ trình và báo cáo gửi đến Sở Tài chính Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau xin được tạm ứng ngân sách năm 2016 số tiền 50 tỉ đồng để chi trả lương tháng 12/2015 cho cán bộ, nhân viên và chi thường xuyên.
Năm 2014, TP Cà Mau vẫn cho làm mới 2 km đường
Ngô Quyền với mức đầu tư 106 tỷ đồng
dù tuyến đường này đang vận hành tốt.
Xung quanh vấn đề này, Bộ Tài chính đã có công văn gửi đến UBND tỉnh Cà Mau, Sở Tài chính Cà Mau yêu cầu báo cáo tình hình nợ nần của UBND TP Cà Mau.
Tìm hiểu nguyên nhân nợ nần của TP Cà Mau, chúng tôi được biết đó là do mất cân đối giữa thu và chi, trong khi đó lãnh đạo UBND TP Cà Mau lại “vung tay qúa trán”, không có tiền vẫn cứ vô tư đầu tư vào các công trình xây dựng cơ bản. Hậu quả là hiện nay, TP Cà Mau đang là “con nợ” của nhiều nhà thầu xây dựng như: Công ty CP Nam Bắc 8 tỉ đồng; Công ty TNHH Nguyễn Huỳnh 1,071 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV TM&DV Tạ Tỷ 2,768 tỉ đồng; Công ty CP Phát triển đô thị dầu khí 1,474 tỉ đồng; Công ty Hưng Đạt 1 tỉ đồng; Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị Cà Mau hơn 14 tỷ đồng.
UBND TP Cà Mau hiện còn nợ tiền vệ sinh đô thị từ tháng 5 đến tháng 9/2015 là 8,6 tỷ đồng; nợ 6 tháng tiền chiếu sáng đô thị 1,5 tỷ đồng; nợ 6 tháng tiền công tác cây xanh gần 3,4 tỷ đồng và 600 triệu đồng tiền sửa chữa hệ thống chiếu sáng công công của 6 tháng đầu năm... TP Cà Mau cũng còn đang nợ cơ quan Bảo hiểm xã hội 19 tỷ đồng, nợ tiền điện chiếu sáng công cộng tháng 10 và 11 là 1 tỷ đồng; nợ các đơn vị thi công duy tu, bảo dưỡng đường nội ô, cây xanh, điện chiếu sáng, quy hoạch hơn 56 tỷ đồng; nợ tiền sửa chữa trường lớp năm 2014-2015 là 7,2 tỷ đồng.
Con đường Ngô Quyền còn đang sử dụng tốt bỗng dưng được thành phố đầu tư 106 tỉ đồng mà không có nguồn cân đối.
Trong các tờ trình và báo cáo gửi đến UBND tỉnh và Sở Tài chính Cà Mau, ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau cho rằng, năm 2012, ngân sách thành phố mất cân đối hơn 61 tỷ đồng; năm 2013, tiếp tục mất cân đối 92 tỷ đồng; Năm 2014 nợ lên đến 95 tỷ đồng và đến năm 2015, con số lên đến gần 300 tỉ đồng. Đến nay, TP Cà Mau chưa có nguồn bổ sung chi trả.
Đặc biệt, TP Cà Mau còn nợ ngân sách tỉnh số tiền hơn 15 tỷ đồng để tạm ứng kinh phí nguồn thu phí bảo vệ môi trường, kinh phí xây dựng hạ tầng nông thôn... không biết lấy nguồn nào chi trả.
Ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau giải thích: “Nguyên nhân mất cân đối là do... khách quan. Thu ngân sách nhà nước không đạt, nguồn thu điều tiết cho thành phố hụt gần 15 tỷ đồng; nguồn thu quỹ bán nhà do thành phố quản lý dự toán 12,8 tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ có 2,8 tỷ đồng; thu tiền bồi hoàn của Công ty Tài Lộc hụt thu cân đối gần 3,1 tỷ đồng, tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản gần 14 tỷ đồng...”.
Ngày 27/12/2013, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định phê duyệt Dự án cầu qua sông Tắc Thủ, thuộc đường Vành đai 1 với mức đầu tư hơn 62 tỷ đồng, giao cho Chủ tịch UBND TP.Cà Mau làm chủ đầu tư. Dự án trong thời gian hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư thì UBND TP. Cà Mau với tư cách chủ đầu tư quyết định mượn gần 47 tỷ đồng để chi trả cho các nhà thầu thực hiện các công trình xây dựng cơ bản. Đến nay, TP Cà Mau không biết lấy nguồn đâu trả lại.
UBND TP Cà Mau có công văn xin tạm ứng ngân sách 50 tỷ của năm 2016 để giải quyết khó khăn. Trước tình hình khẩn cấp của UBND TP Cà Mau, ngày 10/12/2015, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn nêu ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh, giao cho Sở Tài chính kiểm tra tình hình sử dụng tài chính tại thành phố. Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý cho TP Cà Mau tạm ứng 15 tỷ đồng để đảm bảo nguồn chi lương tháng 12/2015, nhưng phải hoàn tạm ứng chậm nhất ngày 31/12/2015.
Trong công văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân đề nghị, trong thời gian tới, UBND TP.Cà Mau căn cứ vào khả năng thu của ngân sách thành phố để cân đối, bố trí các nhiệm vụ chi cho phù hợp. Trường hợp nguồn thu giảm thì cắt bỏ hoặc dời thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết để đảm bảo cân đối ngân sách…Khi có báo cáo, kết luận chính thức, Sở Tài chính sẽ đề xuất với tỉnh xem xét và có hướng xử lý. Sở Tài chính kiểm tra và báo cáo nợ nần, mất cân đối tại UBND TP Cà Mau trước ngày 18/12/2015.
Dù khó khăn về tài chính với số tiền rất lớn, nhưng ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau lại cho rằng: Năm 2015, thành phố sẽ đảm bảo nguồn cân đối ngân sách với nguồn thu ước khoảng 40 tỷ đồng trong đó, thu điều tiết 18 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 22 tỷ đồng.
Tuy nhiên, UBND tỉnh khẳng định, UBND TP Cà Mau vẫn mất cân đối khá lớn do nguồn thu tiền sử dụng đất không đưa vào cân đối ngân sách để đảm bảo chi thường xuyên, nhưng lại được thành phố đưa vào.
Mặt khác, nợ tiền bảo hiểm và nợ Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị Cà Mau chuyển sang thanh toán trong năm 2016 thì vẫn mất cân đối khá lớn.
Mới đây, ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau trong cuộc gặp gỡ với báo chí lại khẳng định, thành phố không mất cân đối. Đến cuối năm, thành phố sẽ thu ngân sách vượt 100 tỷ đồng. Dư luận hoài nghi về việc không trung thực của TP Cà Mau khi tình hình nợ nần như “chúa chổm” mà báo cáo không đúng sự thật.