Làng Cẩm Sa, phường Điện Bàn Đông, TP Đà Nẵng, có 503 liệt sĩ, hơn 100 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Làng Cẩm Sa, TP Đà Nẵng, là làng chài ven biển, thuộc xã Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cũ. Mảnh đất này vào những năm 1967-1968, làng nhiều lần bị đốt phá, càn quét. Nhưng mỗi lần đổ nát, người dân Cẩm Sa lại trở về xây dựng quê hương.
Ngôi làng này, là quê hương của 5 vị tướng. Đó là Thiếu tướng Phạm Bân, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam - Đà Nẵng; Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng tình báo Phạm Mai; Thiếu tướng Trần Đối, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận 479 và Trung tướng Nguyễn Văn Thảng, nguyên Chính ủy Quân khu 5.
Đặc biệt, chỉ một ngôi làng như Cẩm Sa mà có 503 liệt sỹ, hơn 100 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (căn cứ theo số liệu ghi danh tại nhà truyền thống làng Cẩm Sa) và hầu như nhà nào cũng thờ phụng người có công với cách mạng.
Để rõ hơn về ngôi làng này, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Phước (67 tuổi), ở làng Cẩm Sa đang thành kính thắp hương tưởng nhớ những người thân trong gia đình đã hy sinh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Ông Phước chia sẻ: “Nội tôi, má tôi, cô ruột và thím đều là Mẹ Việt Nam Anh hùng. 3 anh ruột của tôi - 1 người là Trung tướng, 2 người đã hy sinh. Nhưng ở làng này, vậy vẫn chưa phải là đặc biệt”.
Theo ông Phước, trong 5 vị tướng ở làng Cẩm Sa, trong đó có Trung tướng Nguyễn Văn Thảng là anh ruột của ông Phước. “Làng tôi, đi đâu cũng gặp người từng mất mát do chiến tranh. Gặp ai cũng có thể là con cháu của liệt sĩ. Ở đây, ra ngõ là gặp anh hùng - nói nghe như đùa nhưng lại là sự thật”, ông Phước tâm sự.
Vì vậy, hằng năm cứ đến ngày 27/7, cả làng như bước vào một đại lễ tri ân. Nhà nhà làm mâm cỗ, con cháu từ xa trở về dâng hương, bày lễ tại các nhà thờ tộc. Những gia đình không còn người thân cũng được hàng xóm thắp hương, làm giỗ thay.
Gia đình ông Phước cũng vậy. “Nếu giỗ riêng từng người thì không xuể. Chúng tôi giỗ chung vào ngày 27/7 để nhớ hết những người đã ngã xuống”, ông Phước nói.
Dẫn chúng tôi đến Nhà bia tưởng niệm 7 liệt sĩ - dũng sĩ Điện Nam, ông Phước dừng lại trước tấm bia ghi lại trận đánh ngày 19/1/1972. Hôm ấy, một tiểu đoàn địch với xe tăng, pháo binh, trực thăng, canô yểm trợ bất ngờ tràn vào xã. Bị bao vây tứ phía, 7 cán bộ và du kích địa phương đã chiến đấu đến cùng, tiêu diệt 47 địch, bắn cháy xe tăng, hạ trực thăng HU1A, rồi hy sinh.
Một trong 7 dũng sĩ đó là liệt sĩ Nguyễn Thảng - anh ruột của ông Phước, cũng là em của Trung tướng Nguyễn Văn Thảng. “Anh ấy nằm lại ngay trên mảnh đất mình sinh ra. Giờ chỉ còn cái tên khắc trên đá”, ông Phước nói khẽ.
Từng trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, ông Trần Quốc Dũng (70 tuổi), Trưởng khối phố Cẩm Sa, vẫn nhớ như in đêm mùng 8 tháng Chạp năm Mậu Thân 1968. “Pháo từ Cồn Khe dội xuống như trút” ông Dũng trải lòng và ông nói, gia đình ông có 15 liệt sĩ, bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ ông là thương binh. Bản thân ông từng chiến đấu ở Campuchia, nay là thương binh hạng 3. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức chưa từng nguôi trong lòng người dân Cẩm Sa. Những mái tranh xác xơ ngày nào nay đã thành nhà xây kiên cố. Trẻ con vui vẻ đến trường, đường sá khang trang, sạch đẹp.
Tại nhà truyền thống làng Cẩm Sa, tấm bia ghi danh liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng được đặt trang trọng trong gian thờ chính. Ở giữa là lá cờ Tổ quốc và tượng Bác Hồ. Trên cùng là tên các mẹ, phía dưới là tên con - những cái tên nối tiếp nhau như một dòng máu liền mạch, chảy xuyên qua bao thế hệ, gắn bó không rời. Từng dòng khắc như lặng lẽ kể lại những mất mát, hy sinh vì nước nhà.
Sau ngày hòa bình, dòng máu anh hùng ấy vẫn tiếp tục chảy trong những người còn lại. Nhiều con cháu gia đình liệt sĩ, thương binh đã trưởng thành, trở thành sĩ quan quân đội, công an nối tiếp truyền thống, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Được biết, tỉnh Quảng Nam (cũ), có hơn 65.000 liệt sỹ, gần 31.000 thương bệnh binh, hơn 6.000 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, cùng gần 12.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày;… Có 15.360 Mẹ Việt Nam anh hùng, 294 Mẹ còn sống.