UBND TP HCM vừa có văn bản số 11/2021/QĐ-UBND về việc bãi bỏ các quyết định của UBND thành phố ban hành trước đó. Trong đó, có 27 quyết định phê duyệt quy hoạch một số ngành nghề thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực văn hoá – xã hội “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn xã hội sẽ được bãi bỏ từ ngày 14/5 tới đây.
Cụ thể, có tới 27 quyết định mà UBND TP HCM ban hành vào giai đoạn 2004 – 2005 liên quan tới các phê duyệt quy hoạch một số ngành nghề thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực văn hoá – xã hôi “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn xã hội tại 24 quận, huyện sẽ bị bãi bỏ kể từ ngày 14/5/2021.
Trong đó có các nghành nghề như: Dịch vụ xoa bóp, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ quán ăn, dịch vụ cà phê – giải khát, dịch vụ lưu trú khách sạn, dịch vụ lưu trú nhà trọ, dịch vụ hớt tóc thanh nữ (hót tóc nam có sử dụng thợ nữ).
Đơn cử như Quyết định số 331/2004/QĐ-UB ngày 29 tháng 12 năm 2004 của UBND Thành phố về phê duyệt quy hoạch một số ngành nghề thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực văn hoá – xã hôi “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn quận Bình Thạnh, giai đoạn 2004 – 2005.
Theo quy hoạch này, Bình Thạnh sẽ có 2 điểm dịch vụ khiêu vũ, 35 điểm dịch vụ karaoke, 115 điểm dịch vụ bán và cho thuê băng đĩa hình, 62 điểm dịch vụ bán băng đĩa, nhạc, 122 điểm dịch vụ trò chơi điện tử, 178 điểm dịch vụ truy cập internet, 96 điểm dịch vụ in lụa, 93 điểm dịch vụ Photocopy, 9 điểm dịch vụ xoa bóp, 39 điểm dịch vụ nhà hàng, 289 điểm dịch vụ quán ăn, 172 điểm dịch vụ cà phê – giải khát, 105 điểm dịch vụ lưu trú khách sạn, 16 điểm dịch vụ lưu trú nhà trọ, 35 điểm dịch vụ hớt tóc thanh nữ (hót tóc nam có sử dụng thợ nữ).
Việc bãi bỏ 27 quyết định về dịch vụ nhạy cảm căn cứ theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tại Tờ trình số 402/TTr-SVHTT ngày 03/2/2021 và ý kiến thẩm định của Sở Tư Pháp.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan yêu cầu Chánh văn phòng UBND TP, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chị trách nhiệm thi hành.
Hiện nay số điểm dịch vụ “nhạy cảm” tại TP HCM đã tăng lên vượt nhiều so với quy hoạch, thậm chí một số loại hình dịch vụ còn biến tướng, khó xử lý. Theo báo cáo của Sở Văn hoá Thể thao TP HCM thì chỉ cần kiểm tra loại hình nhà hàng ăn uống, dịch vụ xoa bóp, hoạt động karaoke có tiếp viên nữ phục vụ đều có vi phạm.
Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM cho biết, trong năm 2020 đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội TP HCM (Đoàn 1) đã kiểm tra 69 cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, biến tướng, dễ phát sinh tệ nạn xã hội, tội phạm và vi phạm pháp luật.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt 32 cơ sở tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng liên quan đến các vi phạm như: sử dụng nữ tiếp viên không khai báo lao động, không giao kết hợp đồng lao động, sử dụng người chưa thành niên, kinh doanh karaoke không phép, hoạt động quá giờ quy định gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội.