Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được UBND TP HCM giao nhiệm vụ xây dựng “Đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn TP HCM 2021 - 2025”.
Để thực hiện các giải pháp về tổ chức sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn TP HCM, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được UBND TP HCM giao nhiệm vụ xây dựng “Đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn TP HCM 2021 - 2025” và tham mưu triển khai thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, dần dần tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng chuỗi giá trị tại các xã NTM.
Sự cần thiết của việc tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị thông qua mô hình HTX
Thực tế quá trình đô thị hóa tại TP HCM diễn ra ngày càng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp; việc liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ nông sản cần được khuyến khích. Để phát triển nông nghiệp của Thành phố trong thời gian tới thì việc phát triển kinh tế tập thể là tất yếu, nhất là Hợp tác xã (HTX) được xem là lực lượng nòng cốt kết nối tất cả các hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Hộ nông dân khi tham gia HTX sẽ được hướng dẫn các phương pháp canh tác tốt và được hưởng phúc lợi từ HTX, được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ổn định, thậm chí khi giá thị trường lên cao thì các HTX cũng tiến hành hỗ trợ cho nông dân với cam kết thu mua tối đa 70-80% giá thị trường. HTX có vai trò là đơn vị tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, là đầu mối ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân,.... Vì vậy Tổ hợp tác, HTX là mô hình phù hợp nhất với phương thức sản xuất nông nghiệp, không có HTX thì không thể tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Trong thời gian tới để phát triển ngành nông nghiệp, Thành phố sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng sản lượng và năng suất hiệu quả với mục tiêu đưa kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 114 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2020, tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt gần 70%. Số lượng HTX hoạt động hiệu quả nêu trên chính là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò trung tâm của chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất của các hộ nông dân với phân phối, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp.
Mục tiêu của tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị tại các xã NTM
Tiếp tục phát huy trung tâm của HTX trong xây dựng chuỗi giá trị, hình thành mối liên kết “nông dân – HTX – doanh nghiệp”, trước mắt, cần duy trì và phát triển các HTX nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, nhằm nâng cao tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả, gắn với nâng cao thu nhập của thành viên HTX; góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Đẩy mạnh phát triển HTX cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của đông đảo người dân về kinh tế tập thể, HTX; đồng thời tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể để phát huy hơn nữa vai trò liên kết, HTX; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Một số giải pháp tổ chức sản xuất
Nhằm khuyến khích nông dân, chủ trang trại, THT, HTX, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp, các tổ chức.....có liên quan trong việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nhằm thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Bên cạnh đó, chính quyền 5 huyện cũng chỉ đạo các xã NTM tích cực tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Xây dựng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn kết hợp với bao tiêu sản phẩm. tạo điều kiện để phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm đặc thù của địa phương. Khuyến khích nông dân phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, chăn nuôi sinh học, trồng cây ăn quả,… theo hướng hàng hóa, bước đầu tạo thương hiệu được khách hàng tìm đến đặt mua đặc biệt là các sản phẩm OCOP, nhờ đó năng suất, chất lượng và giá trị nông sản ngày càng được nâng cao.
Với sự quan tâm chỉ đạo của UBND TP HCM, sự phối hợp hỗ trợ và triển khai tích cực của các sở ngành, chính quyền địa phương, có thể tin tưởng việc tổ chức sản xuất tại các xã NTM sẽ ngày càng được phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo ra thu nhập bền vững cho các hộ nông dân, giúp các xã NTM hoàn thành Tiêu chí 13 (Tổ chức sản xuất) trong giai đoạn mới 2021 – 2025.