TP HCM cần Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù

Thanh Giang 17/05/2022 19:40

Chiều 17/5, Đoàn đại biểu QH TP HCM thực hiện giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2022 và định hướng những tháng cuối năm.

Tại buổi giám sát, đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, thành phố phải đề nghị Trung ương ra Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sao cho thuyết phục.

Ông Trương Trọng Nghĩa – đại biểu Quốc hội TP HCM nói: “TP HCM phải thuyết phục được Trung ương cho thành phố tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù. Với việc tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù giúp thành phố có thể hoàn thành mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra. Từ đó sẽ hoàn thành những mục tiêu phát triển trong những năm tiếp theo. Đây là nhiệm vụ chứ không phải là sự ưu ái. Phải làm rõ tinh thần này, nếu không thì 63 tình thành lại có tâm lý chúng ta được ưu ái”.

Ông Nghĩa cho rằng, khi báo cáo ra Quốc hội vấn đề này phải rõ ràng, có những chủ trương lúc trước thì đúng, nhưng bây giờ không phù hợp nữa… Thứ hai, cần nhấn mạnh các yếu tố đột phá. Ví dụ như vấn đề ngân sách để lại ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Kinh tế TP HCM đang dần dần phục hồi sau dịch bệnh.
Kinh tế TP HCM đang dần dần phục hồi sau dịch bệnh.

Theo ông, qua 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 54, có nhiều cái làm được, nhiều hạng mục triển khai chậm, chưa triển khai. “Nhiều chính sách chúng ta chưa thật sự làm tốt, làm chậm chúng ta không đổ thừa, mà phải đưa ra những lý do khách quan một cách thuyết phục. Cụ thể, tác động Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết 54”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Liên quan đến những kiến nghị về Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết, ông Trần Hoàng Ngân – đại biểu Quốc hội TP HCM cũng nêu quan điểm, thành phố phải kiến nghị tăng và giữ mức điều tiết ngân sách ổn định cho thành phố.

Ông Trần Hoàng Ngân dẫn chứng, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố liên tục giảm trong nhiều năm. Năm 2000 là 33%, 2004 là 29% , 2011 còn 23%, 2017 còn 18%. Giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách chính là giảm năng lực, như vậy ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của TP HCM.

Trước đó, báo cáo với đoàn giám sát, Phó chủ tịch UBND TP HCM ông Võ Văn Hoan cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội có 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha với tổng diện tích 1.843,79 ha).

TP HCM tiếp tục kiến nghị nhiều chính sách để thành phố có thể phát triển đúng vai trò đầu tàu kinh tế.
TP HCM tiếp tục kiến nghị nhiều chính sách để thành phố có thể phát triển đúng vai trò đầu tàu kinh tế.

Theo ông Võ Văn Hoan, Nghị quyết 54 giúp thành phố chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Về quản lý đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng mức vốn đầu tư 12.954,331 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, lãnh đạo UBND TP HCM cũng thừa nhận, việc thực hiện Nghị quyết 54 vẫn còn một số hạn chế. Ảnh hưởng của đại dịch đã tác động không nhỏ đến tình hình triển khai Nghị quyết 54. Cũng do tác động của dịch bệnh nên ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai kế hoạch sử dụng đất, chủ đầu tư các dự án. Ngoài ra, còn có nhiều chính sách chưa thể triển khai theo cơ chế đặc thù với nhiều lý do khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP HCM cần Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù