Thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM mới, đặc biệt là trục Đông Bắc đang đón nhận những tín hiệu tích cực và được đánh giá là tâm điểm thu hút đầu tư, nhất là phân khúc căn hộ, góp phần kiến tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại.
Giới chuyên gia nhận định, không gian phát triển TPHCM mới hiện nay đang mở ra cơ hội hình thành siêu đô thị hiện đại, đáng sống, trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo tầm khu vực và thế giới, tiếp tục khẳng định đầu tàu kinh tế, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và các xu hướng kinh tế mới.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM, đặc biệt là trục Đông Bắc đang đón nhận những tín hiệu tích cực và được đánh giá là tâm điểm thu hút đầu tư, nhất là phân khúc căn hộ, góp phần kiến tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại. Nhờ thế mạnh "kiềng ba chân" gồm: Kinh tế năng động, hạ tầng phát triển đồng bộ và khả năng thu hút dân số mạnh mẽ, khu vực này luôn đón đầu sóng đầu tư mới, giúp thị trường BĐS giữ nhịp phát triển ổn định trong cả nước.
Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea), cứ 5 người sinh sống tại đây có 1 người là dân nhập cư mới, chủ yếu đến từ các địa phương khác để làm việc tại các khu công nghiệp lớn. Nhờ đó, nhu cầu nhà ở tại đây trở thành nhu cầu thực và ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai, gồm: Quốc lộ 13, đường Vành đai 3 TPHCM, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Vành đai 4, đường sắt đô thị trên cao số 2, Metro số 3B… đã mở ra dư địa phát triển BĐS, mang lại niềm tin vào đà tăng giá cho nhà đầu tư.
Giới chuyên gia BĐS cho rằng, chu kỳ mới phát triển thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đang bắt đầu từ một siêu đô thị có quy mô hơn 6.700 km2, hơn 14 triệu dân, GRDP gần 2,4 triệu tỷ đồng, đóng góp 1/4 ngân sách quốc gia. Mỗi địa phương được hợp nhất trong cấu trúc mới đều mang một sứ mệnh riêng, bổ trợ nhau: TPHCM là trung tâm đô thị sầm uất với hệ sinh thái kinh tế đa ngành; tỉnh Bình Dương là trung tâm công nghiệp phát triển nhanh, năng động và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu thế mạnh chiến lược về biển, cảng và du lịch.
Có thể nói, trong khi mặt bằng giá BĐS phía Bắc và một số thị trường trọng điểm khác đang neo ở mức cao, biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp, khu vực Đông Bắc TPHCM đang ở điểm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới, hấp dẫn và bền vững hơn. Theo rà soát của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, làn sóng "Nam tiến" của các nhà đầu tư phía Bắc vào những dự án có nhu cầu ở thực tại khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2025 là tín hiệu rõ ràng về sự dịch chuyển dòng tiền chiến lược.
Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho hay, thị trường BĐS TPHCM sau sáp nhập không chỉ có quy mô lớn hơn gần gấp đôi, mà cơ cấu BĐS cũng trở nên đa dạng và phong phú hơn nhờ sở hữu nguồn cầu nhà ở khổng lồ từ lực lượng công nhân và chuyên gia, điều mà các khu vực khác không có nhiều...
Còn ở góc độ thị trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) TS Nguyễn Văn Đính nhìn nhận, Bình Dương (cũ) là thị trường ngách của TPHCM. Tuy nhiên, thị trường ngách này có tiềm năng lớn, với mức giá trên thị trường từ 40 - 50 triệu đồng/m2 phù hợp với đa số nhà đầu tư. Nhưng sau khi sáp nhập vào TPHCM, Bình Dương sẽ trở thành đô thị trong đô thị, kéo theo giá trị bất động sản tăng lên và chất lượng các dự án cũng sẽ được nâng cấp... Sau sáp nhập, cơ cấu sản phẩm thị trường BĐS TPHCM sẽ đa dạng hóa và được điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu thị trường đang định hình lại và tăng trưởng mạnh, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Để định hình chu kỳ phát triển mới và nhận diện cơ hội rõ ràng, các chuyên gia BĐS cho rằng, TPHCM cần nhanh chóng kiện toàn và vận hành suôn sẻ bộ máy chính quyền mới sau sáp nhập, trong đó tăng cường đối thoại, trao đổi, nắm bắt địa bàn mới, bảo đảm đầy đủ điều kiện về nơi ăn ở, làm việc và đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức và gia đình; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù của Trung ương để tạo nền tảng chính sách vững chắc cho định hướng phát triển đô thị...