Kinh tế

TP HCM giải ngân vốn đầu tư công quá thấp

Thanh Giang 31/05/2024 16:55

Chiều ngày 31/5, UBND TP HCM họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 5. Vấn đề giải ngân đầu tư công được lãnh đạo UBND Thành phố quan tâm do tỷ lệ giải ngân hiện nay quá thấp.

Tính đến hết ngày 24/5/2024, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 6.705,2 tỷ đồng, đạt 8,5% so với kế hoạch vốn năm 2024.

Uớc tính đến hết tháng 5 năm 2024 giải ngân đạt 10.895,2 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch và tăng 18% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 9.230,3 tỷ đồng, đạt 13,1% kế hoạch).

Theo UBND TP HCM, dự án Rạch Xuyên Tâm được đầu tư khoảng 5.400 tỷ đồng, bờ Bắc Kênh Đôi khoảng 2.000 tỷ đồng, vành đai 2 là khoảng 8.000 tỷ đồng, nếu không giải ngân được các dự án này, khối lượng giải ngân của thành phố chắc chắn sẽ rất thấp.

von-dau-tu-cong.jpg
Lãnh đạo UBND TPHCM làm việc với các sở ngành để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

“Tháng 4, tháng 5 chúng ta xác định mỗi tuần giải ngân từ 3.500 tỷ đến 4.000 tỷ, thế nhưng trên thực tế chúng ta chỉ giải ngân được khoảng 200 tỷ/tuần. Đây là khối lượng rất thấp so với yêu cầu đặt ra”, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM tỏ ra lo lắng khi cho biết, thành phố đã đặt mục tiêu giải ngân 10 - 12% tổng vốn đầu tư công trong quý 1 và 30% trong quý 2. Tuy nhiên, đến nay thành phố mới chỉ mới đạt chỉ tiêu của quý 1.

Đại diện Kho bạc TPHCM nhận định, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố rất chậm. Trung bình đạt 150 – 180 tỷ/tuần (không đạt 200 tỷ/tuần). Đặc biệt, tháng 4 và tháng 5 không có tuần nào đạt 200 tỷ/tuần.

Trong khi đó, sau phát động 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công của thành phố vào cuối năm 2023, có ngày giải ngân được 2.000 tỷ. Đại diện Kho bạc thành phố kiến nghị UBND thành phố nên phát động thi đua giải ngân đầu tư công, đồng thời kiểm tra và giám sát chủ đầu tư, nhà thầu.

Trước sự ì ạch trong việc giải ngân đầu tư công, Chủ tịch Thành phố băn khoăn, các dự án đang thi công rồi nhưng tại sao lại chậm, cần tháo gỡ để có sự chuyển biến tốt.

Theo người đứng đầu thành phố, chủ đầu tư cần làm việc với các nhà thầu. Nghĩa là rà soát lại xem nhà thầu nào không tiến triển thì phải xử lý.

"Trong tháng 6 này sẽ kiểm tra và xử lý một số dự án. Phải giải ngân thật, công trình hoàn thành, tiền đi vào nền kinh tế chứ không cần con số đẹp. Đừng để đi kiểm tra và kỷ luật mới làm", ông Mãi nhấn mạnh.

dau-tu.jpg
Thành phố yêu cầu, tháo điểm nghẽn cản trở việc giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án.

Theo UBND TP HCM, thành phố đang triển khai rất nhiều dự án lớn. Đơn cử, dự án tuyến đường sắt metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã hoàn thành hơn 98% khối lượng. Trong đó, ga ngầm Bến Thành đã cơ bản hoàn thiện, chờ bàn giao trước khi vận hành.

Dự án tuyến đường sắt metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) công tác di dời, bàn giao mặt bằng đạt hơn 90%, các nhà thầu đang di dời và tái lập hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị khởi công các gói thầu chính vào năm 2025. Dự kiến tháng 7/2024 hơn 400 cây xanh sẽ bị chặt hạ, di dời để lấy mặt bằng thi công dự án.

Dự án Thành phần 2 đường Vành đai 3 Thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ bồi thường. Hiện mặt bằng bàn giao đạt 98,4%; trong đó, thành phố Thủ Đức đạt 94,4%; huyện Củ Chi đạt 99,8%; huyện Hóc Môn đạt 100%; huyện Bình Chánh đạt 99,4%.

Dự án Thành phần 1 đường Vành đai 3 được chia làm 14 gói thầu xây lắp, trong đó có 10 gói thầu xây lắp chính đã đấu thầu xong và đang triển khai đảm bảo đúng tiến độ dự án. Trong đó, dự án thành phần Cầu Nhơn Trạch – cầu lớn nhất nối Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai bước sang giai đoạn lao lắp dầm, hiện đạt 70% khối lượng sau 19 tháng thi công, mặt bằng xây dựng đoạn qua thành phố đã bàn giao toàn bộ cho công tác thi công.

Dự án mở rộng quốc lộ 50 gồm 7 gói thầu xây lắp; trong đó 4/7 gói xây lắp làm đường song hành quốc lộ 50 đạt khoảng 53% khối lượng và dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và 3/7 gói thầu mở rộng quốc lộ 50 hiện hữu dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Tuy nhiên, dự án đang gặp vướng mắc trong công tác bồi thường cho 11 hộ dân (03 hộ dân tại gói XL1 và 08 hộ dân lại gói XL2) gây nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, dự kiến bàn giao kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đạt hơn 50% tổng khối lượng. Tuy dự án hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc về vật liệu cát đắp nền nhưng việc thi công vẫn đảm bảo đúng tiến độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP HCM giải ngân vốn đầu tư công quá thấp