Sáng 6/7, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 6.
Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM cho biết, GRDP thành phố tăng 3,82%, từ mức giảm sâu ở quý 3 và quý 4 của năm 2021, đến quý 1, quý 2 năm 2022 đã tăng trưởng dương 1,88% và 5,73%.
Thu ngân sách thành phố đạt 61,74 % dự toán (238.648,063 tỷ đồng), tăng 17,49 % so cùng kỳ, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 68.700 tỷ đồng, đạt 58,97 % dự toán, tăng 9,62 % so với cùng kỳ…
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thị Lệ khẳng đinh: “Kinh tế thành phố phục hồi sớm hơn so kỳ vọng, đem lại tín hiệu lạc quan cho thời gian còn lại của năm 2022”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo HĐND TP HCM nhìn nhận, vẫn còn nhiều khó khăn khi tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến ảnh hưởng khó lường.
Đơn cử, giá dầu tăng liên tục và lạm phát, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sau hai năm đại dịch hoành hành kéo theo một số yếu tố bất lợi, ảnh hưởng xấu đến hoạt động phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thành phố và đời sống nhân dân. Nguy cơ Covid-19 bùng phát trở lại vẫn luôn thường trực, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của chủng Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam. Dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng tăng cao so cùng kỳ...
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng, chỉ số cải cách hành chính còn thấp; công tác lập và điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố còn chậm, tình trạng dự án “treo” hàng chục năm vẫn còn.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, những khó khăn, hạn chế nêu trong báo cáo là những vấn đề cần được thảo luận tìm nguyên nhân, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM cho biết, năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thành phố. Đây là năm kiến tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của giai đoạn 2021-2025; là năm thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để tăng tốc để bù đắp cho những tổn thất do dịch bệnh; tập trung xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Song song đó, kỳ họp tiếp tục tập trung thảo luận, xem xét các tờ trình về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022; kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ngân sách địa phương sang năm 2022.
Ngoài ra còn thảo luận tờ trình về Chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030; về chủ trương thực hiện Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát (CRUS1); Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS2) do ADB tài trợ;...
“Những nội dung được xem xét, thảo luận và quyết nghị, tờ trình như trên là những vấn đề hết sức trọng đại, làm tiền đề hoàn thành việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo; đồng thời, có ý nghĩa cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân thành phố trong giai đoạn bình thường mới”, bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Tại kỳ họp lần này, HĐND TP HCM cũng tiến hành tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với UBND thành phố, Sở Xây dựng và UBND Quận 8 về Chương trình phát triển nhà ở, giám sát chuyên đề về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố và Nghị quyết số 25 HĐND thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.