Quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP chỉ cho phép công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư có 100% đất ở. Do đó, nhiều doanh nghiệp dù có quỹ đất nhưng không thể triển khai các bước để lập dự án phát triển nhà ở.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), tại TP HCM trong 3 năm qua, (kể từ ngày 10/12/2015, Nghị định 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực đến tháng 08/2018) đã có 126 dự án nhà ở thương mại không được công nhận chủ đầu tư do không có quyền sử dụng đất 100% đất ở. HoREA đánh giá, số lượng dự án không được công nhận chủ đầu tư thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều, do từ tháng 9/2018 đến hết năm 2020, các nhà đầu tư không có quyền sử dụng đất đối với toàn bộ 100% đất ở đã không nộp hồ sơ nữa, vì có nộp cũng không được chấp nhận.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, với 126 dự án nhà ở bị “ách tắc” tại TP HCM, nếu bình quân mỗi dự án có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư lên đến 126.000 tỷ đồng. Hậu quả là Nhà nước thất thu tiền sử dụng đất khoảng 10.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 15% chi phí đầu tư); Nhà nước thất thu tiền thuế GTGT 10% tương đương 12.600 tỷ đồng; nếu đạt lợi nhuận 20% tương đương 25.000 tỷ đồng, thì Nhà nước thất thu tiền thuế TNDN 20%, khoảng 5.000 tỷ đồng.
Không chỉ khiến Nhà nước bị thất thu ngân sách, quy định này cũng khiến doanh nghiệp (DN) bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Chủ tịch HoREA, nếu DN phải vay 70% tổng mức đầu tư tương đương vay 88.000 tỷ đồng, với lãi suất 9%/năm thì trong 5 năm qua, các DN bị thiệt hại rất lớn, phải trả lãi vay lên đến khoảng 40.000 tỷ đồng, bị “chôn vốn”, bị mất cơ hội kinh doanh, bị tổn hại uy tín, thương hiệu, lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chủ tịch HoREA kiến nghị: Bộ Xây dựng cần trình Chính phủ xem xét sớm có giải pháp xử lý ách tắc về quy định dạng đất để công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về xây dựng.
Trước thực trạng hàng trăm DN bất động sản tại TP HCM đã phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mở rộng quỹ đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp… nhưng đều bị vướng quy định “100% đất ở” dẫn đến tình trạng không thể triển khai dự án, cộng đồng DN bất động sản hy vọng sớm được tháo gỡ điểm nghẽn này để phát triển.