Để vực dậy nền kinh tế tăng trưởng âm, lãnh đạo TP HCM đặt ra mục tiêu cụ thể, tăng trưởng năm 2022 phải đạt từ 6 – 6,5%. Trước mục tiêu trên của thành phố, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thành phố cần có những giải pháp mang tính đồng bộ.
Năm 2021, kinh tế TP HCM bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, GRDP của thành phố tăng trưởng âm. Đây là kết quả mà thành phố chưa từng ghi nhận.
Mong muốn kinh tế thành phố phát triển trở lại với đúng với vai trò đầu tàu, lãnh đạo UBND TP HCM đặt mục tiêu, TP HCM xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với 19 chỉ tiêu.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) đạt 6% - 6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng, để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021 đạt được mức tăng trưởng năm 2022 từ 6% - 6,5% và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức và không đơn giản.
Bên cạnh đó, về cơ cấu kinh tế, xét theo giá hiện hành, khu vực thương mại dịch vụ năm 2021 chiếm tỷ trọng 63,4% trong GRDP thành phố; trong đó có 4/9 ngành dịch vụ (chiếm 34,5% trong GRDP) tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Do đó cần có giải pháp vực dậy các ngành thương mại dịch vụ.
Người đứng đầu chính quyền thành phố nói, việc đặt chỉ tiêu GRDP tăng trưởng từ 6% - 6,5% thể hiện quyết tâm cao của thành phố. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu này đòi hỏi, TP HCM phải giữ vững thành quả chống dịch, phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố trong năm 2022.
Chia sẻ những khó khăn mà TP HCM phải đối mặt với dịch bệnh trong thời gian qua, song nhiều chuyên gia cũng góp ý kiến thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển trong thời gian tới hiệu quả hơn.
PGS. TS Hoàng Công Gia Khánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM nhấn mạnh, thời gian qua tăng trưởng kinh tế của thành phố suy giảm, cân đối ngân sách căng thẳng, GRDP phụ thuộc chủ yếu vào công nghiệp và dịch vụ. Trong 5,46% tăng trưởng GRDP của 6 tháng đầu năm 2021 có 3,66% đến từ dịch vụ.
Bàn về giải pháp phục hồi kinh tế vị này cho rằng, tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm. Vì thế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần khắc phục việc chậm ban hành chính sách, tính thiếu nhất quán và đồng bộ của chính sách, vượt qua sức ỳ tâm lý và áp lực tuân thủ điều kiện an toàn, khả năng thích nghi.
TS Trần Du Lịch cho rằng, TP HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trong giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4 khi kinh tế tăng trưởng âm.
“Với vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế của phía Nam và cả nước, đóng góp khoảng 22% GDP, gần 30% ngân sách quốc gia và là trung tâm kinh tế gắn kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, nên việc thúc đẩy phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế trên địa bàn thành có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của cả nước chứ không riêng gì của thành phố”, TS Trần Du Lịch chia sẻ.
Nêu quan điểm thúc đẩy kinh tế thành phố, GS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) TP HCM đưa ra giải pháp, trong thời kỳ bình thường mới với hơn 10 triệu dân phải tính đến vấn đề đô thị hóa.
Trong đó, đi đầu về cuộc cách mạng số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Bất kể lĩnh vực gì ứng dụng công nghệ số đều hiệu quả hơn trước. TP HCM không đột phá thì Việt Nam khó đột phá.