TP HCM vẫn thu phí bảo trì đường bộ với xe máy

Thanh Giang 28/07/2015 21:15

HĐND TP HCM không có thẩm quyền quyết định dừng thu phí sử dụng đường bộ. Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP: "Nghị quyết của HĐND TP cuối năm 2014 về việc thu phí vẫn còn hiệu lực nên thành phố sẽ thực hiện”.

Nhiều ý kiến mong muốn dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy (ảnh: S.Xanh).

Ngày 28/7, Hội đồng nhân dân TP HCM đã khai mạc kỳ họp thứ 18, HĐND TP khóa VIII. Tại đây, ý kiến nhiều đại biểu cho rằng nên dừng việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.

“Chính phủ và các Bộ, ngành đưa quy định thu phí đường bộ đối với xe gắn máy, nhưng nếu thấy không đúng, không hợp với lòng dân thì nên mạnh dạn dừng ngay”- đại biểu Văn Đức Mười nêu quan điểm. Theo ông Mười, năm 2014 HĐND thành phố có biểu quyết thông qua quy định thu phí bảo trì đường bộ từ ngày 1/7/2015. Tuy nhiên cử tri vẫn bức xúc về việc thu phí. Theo ông Mười, dừng thu phí là hay nhất.

Còn đại biểu Huỳnh Quốc Cường cho biết, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chủ tịch HĐND TP HCM đã chất vấn Bộ GTVT, vì vậy cử tri rất trông chờ. Nếu như lần này việc thu hay không thu phí bảo trì đường bộ với xe máy chưa được giải quyết thì cử tri tiếp tục bức xúc vì người dân mong muốn dừng thu loại phí này.

“Một số tỉnh/thành đã kiến nghị dừng thu phí đường bộ, ví dụ như Đà Nẵng. TP HCM cũng nên có ý kiến tương tự” - ông Cường nêu quan điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề khó khăn của thu phí không phải là mức độ cao hay thấp mà liệu có thực hiện được đồng bộ hay không. Chắc chắn xảy ra tình trạng người nộp, người không nộp vậy sẽ không công bằng. Đó là chưa kể thành phố có một lượng lớn người dân nhập cư rất khó kiểm soát việc thu phí xe máy.

Đề cập đến việc thu phí hay không thu phí bảo trì đường bộ, ông Nguyễn Văn Đua - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cho rằng, thành phố phải có cách làm như thế nào để phù hợp trong từng giai đoạn, tránh tình trạng cào bằng. TP HCM chưa làm, chưa thể nói khó. Thu đúng mục đích, đúng đối tượng, sử dụng cho đúng là cần thiết. Vấn đề còn lại, cần công khai minh bạch nguồn thu bằng cách công bố cho từng khu phố, từng phường cụ thể. Cuối cùng, HĐND phải giám sát khâu thực hiện xem sao, còn kiến nghị vẫn cứ kiến nghị.

“Thành phố đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, không thực hiện thì không đúng thẩm quyền, đi vào thu chắc chắn vướng vào “vết xe đổ” của các tỉnh. Không có xử phạt, không công nghệ mà thu bằng tay sẽ không tránh khỏi thất thoát. Nếu thành phố làm thì phải làm ngon lành tránh tình trạng như các tỉnh” - đại biểu Lâm Thiếu Quân lo ngại.

Còn bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP cho rằng, những băn khoăn mà đại biểu đưa ra hoàn toàn xác đáng. Hiện nay, người dân tự kê khai loại xe nhưng lại nộp cho cán bộ không chuyên nên bảo quản phí đó như thế nào không rõ? Ai nộp, ai không nộp? Tiền nộp về đâu? Khai không đúng liệu có ai đến nhà kiểm tra hay không? Bà Tâm cho hay, các tỉnh/thành khác thực hiện thu phí nhưng năm sau giảm so với năm trước, có tỉnh chỉ thu được 20%.

Theo bà Tâm, mặc dù chưa đi vào thực tiễn thu phí nhưng TP HCM cũng tiên liệu được những khó khăn. Tuy nhiên, Nghị định 18 của Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đang còn hiệu lực nên thành phố vẫn phải thực hiện. Chính vì lẽ đó mà chúng ta phải bàn giải pháp làm sao cho người dân chấp hành pháp luật cho tốt và bàn sao thu cho có khoa học, có chế tài và hiệu quả. "HĐND TP HCM không có thẩm quyền quyết định dừng thu phí sử dụng đường bộ. Nếu có thẩm quyền hội đồng sẽ không thu. Nghị quyết của HĐND TP cuối năm 2014 về việc thu phí vẫn còn hiệu lực nên thành phố sẽ thực hiện” - bà Tâm nhấn mạnh.

Được biết, trong kỳ họp này, UBND thành phố sẽ trình HĐND tờ trình về việc tăng lệ phí cấp mới đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. UBND thành phố đề xuất tăng mức lệ phí đối với xe máy giá trị từ dưới 15 triệu đồng mức phí đăng ký tăng lên 750 ngàn đồng (đang áp dụng là 500 ngàn đồng); xe máy trị giá từ 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng có mức 1,5 triệu đồng thay vì 1 triệu đồng như hiện nay; xe máy có giá trị trên 40 triệu đồng mức phí tăng lên 3 triệu đồng (đang là 2 triệu). Riêng sơ-mi rơ-moóc đăng ký rời, rơ-moóc tăng lên 150 ngàn đồng (mức hiện nay là 100 ngàn đồng). Riêng nhóm xe ôtô con dưới 10 chỗ không kinh doanh vận tải hành khách thì mức lệ phí đăng ký đề xuất tăng cao nhất từ 2 triệu đến 11 triệu đồng/xe.

Lý giải về việc tăng phí thu, UBND thành phố cho rằng, tăng thu nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, đồng thời giảm thiểu xe cá nhân để khuyến khích các phương tiện vận tải công cộng. Theo UBND, mức đề nghị trên hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế thành phố. Nếu được HĐND thành phố thông qua thì mức phí mới sẽ được áp dụng từ ngày 1-9 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP HCM vẫn thu phí bảo trì đường bộ với xe máy