Kinh tế

TP Hồ Chí Minh: 'Chạy đua' giảm giá, kích cầu cuối năm

Thanh Giang 22/11/2024 11:00

Mặc dù thị trường tiêu dùng đang chuẩn bị bước vào mùa mua sắm cuối năm, song đại diện các chủ cửa hàng, tiểu thương cho biết, sức mua có nhích lên nhưng chưa cao như mong đợi.

anhbaitren.jpg
Khách hàng tìm hiểu hàng hóa tại kênh phân phối hiện đại.

Bà Nguyễn Hồng Thắm (chợ Gò Vấp) chia sẻ: “Gần cuối năm, mặt hàng thời trang được kỳ vọng tăng lượng khách nhiều so với các mặt hàng khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu gì. Tôi kỳ vọng thời gian tới sức mua có sự đột phá hơn”. Bà Thắm kể, có những hôm ngồi chợ cả ngày mà chỉ bán được vài bộ quần áo, tổng trị giá không quá 2 triệu đồng.

Chia sẻ về cách tiêu dùng hiện nay, hầu hết người tiêu dùng khẳng định, kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn nhưng thu nhập vẫn ở mức cũ nên tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Tiết kiệm cũng trở thành phương án tốt nhằm phòng hờ cho những rủi ro khách quan và chủ quan.

Khảo sát mới đây của Công ty PwC cho thấy, lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với đại đa số người tiêu dùng Việt Nam trong 12 tháng tới. 63% người tiêu dùng Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng chi tiêu cho mặt hàng nhu yếu phẩm, tiếp theo là quần áo (52%) và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (48%). Ông Rakesh Mani - lãnh đạo Thị trường tiêu dùng (PwC châu Á - Thái Bình Dương) nhận xét: “Người tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều áp lực, bao gồm sự bất ổn kinh tế, mối lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu cũng như nhận thức ngày càng cao về các vấn đề môi trường và xã hội”.

Theo Ngân hàng UOB, lo lắng về tình hình kinh tế nên gần 60% người tiêu dùng Việt Nam dành ra ít nhất 3 tháng chi phí cho các trường hợp khẩn cấp, cao hơn mức trung bình của khu vực là 54%. Gần một nửa số người được hỏi cho biết họ thường xuyên tiết kiệm hơn 20% thu nhập hàng tháng của mình, chủ yếu là ở nhóm Gen Y. Trong đó, giá cả gia tăng và việc đảm bảo khả năng chi trả là những thách thức hàng đầu mà người tiêu dùng đang phải đối mặt.

Nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng, nhiều hệ thống bán lẻ đã tung các chương trình khuyến mãi sâu. Cụ thể, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) triển khai chương trình khuyến mãi kéo dài trong 10 ngày liên tiếp đón siêu khuyến mãi Black Friday. Theo đó, 800 điểm bán trên toàn quốc giảm giá từ 50% trở lên trên tất cả các ngành hàng: rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm khô, thủy hải sản, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, thời trang may mặc. Trong đó, nổi bật là chương trình “10 ngày vàng - sắm thả ga” dành cho nhóm hàng gia dụng, đồ dùng giảm sâu lên đến 50%; chương trình “Đi chợ đồng giá 10.000 đồng” với các mặt hàng rau củ... Bên cạnh đó, mặt hàng thực phẩm tươi sống và trái cây giảm đồng loạt từ 15 - 20%.

Tương tự, trong ngày 21 - 22/11, tại 21 trung tâm MM Mega Market trên toàn quốc diễn ra “Ngày hội Khách hàng chuyên nghiệp năm 2024”. Đây là sự kiện thường niên hàng năm, dành riêng cho đối tượng khách hàng B2B nhằm kích cầu mua sắm dịp lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán. Với chính sách mua càng nhiều, giá càng rẻ, đơn vị này một lần nữa đẩy mạnh cam kết chiến lược giá rẻ thông qua ngày hội, với mức ưu đãi hấp dẫn nhất trong năm lên đến 12% cho những đơn hàng Tết sớm và đơn hàng đặt mua số lượng lớn.

Nhận định của các chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng chỉ sẵn sàng gắn bó với những thương hiệu thực sự rất tin tưởng. Do đó, các doanh nghiệp cần biết cách xây dựng niềm tin trên mọi phương diện và hình thành các mối liên kết bền vững với người tiêu dùng.

Thị trường tiêu dùng Việt Nam vẫn được đánh giá là rất tiềm năng. Theo báo cáo của World Data Lab, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 11 thế giới vào năm 2030, với 80 triệu người tiêu dùng (tăng 34% so với năm 2024). Với dân số 100 triệu người, Việt Nam dự kiến sẽ nằm trong nhóm 5 thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất châu Á, với thu nhập trên 20 USD/ngày, tính theo sức mua ngang giá không đổi trong giai đoạn 2021 - 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: 'Chạy đua' giảm giá, kích cầu cuối năm