Do phải chờ vốn kéo dài, không ít các dự án thuộc chương trình giảm ngập của TPHCM rơi vào tình trạng thi công ì ạch suốt nhiều năm. Trong khi chờ các dự án chống ngập hoàn thành, chính quyền đô thị TPHCM vẫn phải loay hoay giải quyết tình trạng phát sinh các điểm ngập mới...
Dự án chống ngập… gây ngập
Có nhà nằm ngay “rốn ngập” thuộc các tuyến đường Võ Văn Ngân và Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức), ông Trần Đức Tài (53 tuổi, ngụ phường Linh Đông, TP Thủ Đức) cho biết, người dân nhiều năm nay phải chịu cảnh bì bõm chỉ vì dự án chống ngập thi công ì ạch mãi chưa xong. “Chúng tôi được biết chính quyền thành phố có dự án chống ngập cho đường Tô Ngọc Vân, trong đó có xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa (phường Linh Đông). Tuy nhiên, dự án khởi công từ tháng 6/2021 đến nay vẫn chưa xong. Rồi cứ vào mùa mưa các khu dân cư phải chịu cảnh úng ngập cục bộ do nước ứ đọng không có “cửa” để thoát nước ra hệ thống kênh rạch” - ông Tài nói. Theo phản hồi từ Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức (chủ đầu tư), hiện nay dự án chống ngập đường Võ Văn Ngân đạt khoảng 52% khối lượng nhưng thời gian qua vẫn thi công cầm chừng do phải đợi ngầm hóa lưới điện và viễn thông.
Nhiều người dân sống tại quận 4, quận 7, quận 8 và quận Bình Tân đến nay cũng đang chờ đợi và kỳ vọng rất lớn vào “siêu dự án” chống ngập 10.000 tỷ đồng ở khu bờ hữu sông Sài Gòn đã lỡ hẹn sau 7 năm thi công. Ông Đỗ Huy Nam (huyện Nhà Bè), một hộ dân trong khu vực dự án phản ánh việc người dân đã trông chờ từng ngày dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng hoàn thành nhưng thực tế thì thi công đang rất ì ạch. Theo nhà đầu tư Trungnam Group, dù công trình này đã đạt khối lượng hoàn thành khoảng 95% và UBND TPHCM đã vào cuộc để tháo gỡ nhưng hiện đang phải “trùm mền” vì đợi hoàn tất các thủ tục tiếp theo.
Nói về “siêu dự án” chống ngập thi công ì ạch, Phó Chủ tịch TPHCM Bùi Xuân Cường khi tham gia cùng đoàn thị sát đã thừa nhận khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là các vấn đề về gia hạn khoản tín dụng, quy trình vận hành… Theo ông Cường, UBND TPHCM vẫn đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư rà soát, tập hợp báo cáo cụ thể để cùng nhau tìm hướng giải quyết. Hiện tại UBND TPHCM đã ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành dự án vào tháng 5/2024.
Tập trung giám sát
Theo Sở Xây dựng TPHCM, thành phố cần hơn 101.000 tỷ đồng cho 120 dự án giảm ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước của thành phố đến nay mới chỉ được giao hơn 17.400 tỷ đồng.
Trước tình trạng ngập úng kinh niên và nhiều dự án chống ngập thi công kéo dài, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM đã đề nghị HĐND TPHCM về việc đề xuất tái giám sát dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), trong đó có công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng, vốn đóng vai trò quan trọng trong điều tiết giảm ngập nước đối với toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn. Riêng đối với “siêu dự án” chống ngập của thành phố, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cho biết, dự án đã phải dời thời gian hoàn thiện và có nhiều thời điểm phải điều chỉnh về thủ tục. Đến nay dự án đã trễ 4 năm so với kế hoạch.
Ông Dũng cũng nhìn nhận, do không thể khai thác đúng thời hạn dự án nên nhiều vấn đề đã phát sinh khi phụ lục hợp đồng bị hết hạn mà công trình vẫn chưa được tái cấp vốn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Trần Kim Yến cho biết, hiện nay TPHCM đang chuẩn bị thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên là Trưởng ban. Nhiều cơ chế đặc thù của Nghị quyết mới sẽ là chìa khóa để giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề tồn tại, bất cập hiện nay trong đó có vấn đề ngập nước, sụt lún đất hoặc khai thác nước ngầm sai quy định.
Theo bà Yến, thành phố đã có văn bản quy định về việc khai thác nước ngầm, tuy nhiên vẫn có những đơn vị, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc quy định này. Sắp tới các cơ quan chức năng TPHCM sẽ quyết liệt rà soát, phát hiện các trường hợp sử dụng nước ngầm không đúng quy định để xử lý nghiêm…
Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 54, bà Yến cho biết, thành phố đã sớm chủ động chuẩn bị kế hoạch thực hiện Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Để tháo gỡ dứt điểm các tồn đọng, bất cập, nhất là liên quan đến dự án đầu tư hạ tầng, dự án treo… quá trình này sẽ do UBND TPHCM trình Ban Thường vụ Thành ủy dự thảo Chỉ thị của Thành ủy về triển khai thực hiện nghị quyết mới trên địa bàn. Hiện nay, thành phố cũng gấp rút chuẩn bị 8 Tờ trình trình HĐND TPHCM để ban hành các chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của HĐND TPHCM trong thời gian tới.
Bên cạnh các hoạt động giám sát dự án treo, dự án chống ngập thi công ì ạch, tháo gỡ vấn đề về thủ tục và thiếu vốn đầu tư, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ khi trực tiếp đến thị sát dự án chống ngập bờ hữu sông Sài Gòn, đã cho biết, HĐND TPHCM thực hiện giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, trong đó có chương trình giảm ngập nước thành phố. Quá trình giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị Ban quản lý dự án hạ tầng TPHCM cần tập trung giải quyết rốt ráo các dự án thoát nước.