TP Hồ Chí Minh: Loay hoay giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2

ĐOÀN XÁ 06/03/2023 07:00

Được phê duyệt từ năm 2010 và dự kiến sẽ hoàn thành năm 2016 nhưng đến nay (tháng 3/2023) tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2 từ Bến Thành đi Tham Lương, TPHCM vẫn chưa thể khởi công. Tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án liên tục chậm trễ từ năm 2020 tới nay.

Dự án metro số 2 tiếp tục vướng ở khâu giải phóng mặt bằng.

Là tuyến giao thông quan trọng đi qua nhiều quận trung tâm (quận 1,3,10, 12, Tân Bình, Tân Phú) nên dù chỉ dài 11km, dự án xây dựng tuyến metro số 2 cũng nhận được rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, sau 13 năm chờ đợi, vì sao dự án vẫn chưa thể khởi công là một câu hỏi lớn. Vướng mắc lớn nhất của dự án là việc giải phóng mặt bằng dọc theo trục đường Trường Chinh-Cách Mạng Tháng Tám (đi ngầm dưới lòng đất). Ghi nhận thực tế cho thấy khoảng một năm tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án được đẩy mạnh rất nhiều so với 10 năm trước đó. Hàng trăm căn nhà dọc theo trục đường trên được di dời, tháo dỡ để có mặt bằng sạch. Thậm chí nhiều nhà dân sau khi tháo dỡ bàn giao mặt bằng thi công cho dự án đã xây dựng nhà mới khang trang để ổn định cuộc sống, kinh doanh. Tuy nhiên, xen kẽ vẫn còn một số căn nhà kiên cố chưa di dời, chưa tháo dỡ. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM - chủ đầu tư dự án, hiện đã có 86% số hộ dân bàn giao mặt bằng. Phần lớn số còn lại là nằm trên địa bàn quận 3, Tân Phú và Tân Bình, trong đó có một số đã nhận đền bù nhưng chưa di dời.

Ông Nguyễn Văn S., một người dân ở quận 10 có đất đền bù dự án cho biết cách đây 2 năm ông đã chấp nhận bàn giao mặt bằng dù mức giá mà Nhà nước trả thấp hơn (bằng khoảng 70%) giá nhà đất thị trường trong khu vực. “Đây là mặt tiền đường lớn, trước tôi nhận đền bù thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Nhưng tôi nghĩ việc giao đất cho Nhà nước làm đường là cần thiết để thành phố khang trang, không kẹt xe tắc đường. Mình chịu thiệt một chút cũng không sao”- ông S. cho biết. Tuy nhiên, sau 2 năm giá đất đền bù dự án có thay đổi, theo chiều hướng tăng lên khiến những gia đình chấp nhận giao đất trước bị thiệt thòi. Và điều quan trọng là dự án vẫn chưa được triển khai.

Là địa phương có tỉ lệ bàn giao mặt bằng thấp, ông Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND quận 3 cho biết hiện mới có 40% số hộ dân trên địa bàn chấp nhận bàn giao đất thi công dự án metro số 2. Nguyên nhân là chính sách đền bù, mức giá tính tiền đất cho các hộ dân có thay đổi. Cụ thể, do dự án kéo dài và có thay đổi về nguồn vốn, chính sách tính hệ số đất đền bù nên có sự chênh lệch nhất định giữa các địa phương, vị trí. Hiện quận đang tích cực phối hợp với các sở ngành, lãnh đạo thành phố để thống nhất mức giá đền bù thỏa đáng với người dân và phù hợp với khung pháp lý cho phép để nhanh chóng hoàn thành việc giao mặt bằng cho dự án thi công.

Mới đây, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Xây dựng TPHCM phải chịu trách nhiệm về việc chậm tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng tuyến metro số 2. Theo ông Cường, UBND TPHCM đã có văn bản ghi rõ các mốc thời gian cụ thể của từng dự án trọng điểm trên địa bàn và yêu cầu các sở ngành phải có trách nhiệm hoàn thành đúng theo các mốc thời gian quy định. Khi dự án chậm tiến độ, lãnh đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ sẽ phải chị trách nhiệm.

Dự án trọng điểm tuyến metro số 2 liên tục chậm tiến độ. Dự án được thay đổi, phê duyệt lại vào năm 2019 với mức vốn đầu tư tăng từ 1,3 tỷ USD lên 2,1 tỷ USD (khoảng 47.800 tỷ đồng) và mức thời gian hoàn thành là năm 2026. Tuy nhiên sau đó dự án tiếp tục được điều chỉnh, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Loay hoay giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO