Nhờ tận dụng lợi thế là “chủ nhà” tổ chức nhiều đại lễ lớn cấp quốc gia và quốc tế, ngành “công nghiệp không khói” của TPHCM đã đạt được tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, lượng khách du lịch đến thành phố đã chia sẻ nhiều ấn tượng khi trải nghiệm.
Hút khách nhờ lễ lớn
Là du khách may mắn tham gia tour du lịch đến TPHCM ngay vào dịp 30/4 và 1/5 vừa qua, ông Ngô Tuấn Anh (71 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Bình) cho biết, khá bất ngờ vì TPHCM đã thay đổi khá nhiều so với khoảng 10 năm trước. “Lúc ấy, gia đình tôi đến thành phố du lịch lần đầu, các đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi (quận 1) còn có hàng cây xanh hai bên vỉa hè, nhà cửa cũng sầm uất nhưng hiện đã xây dựng thêm nhiều tòa nhà cao tầng. Các tuyến đường này đều đã mở rộng, phần vỉa hè kinh doanh dịch vụ tấp nập, nhộn nhịp hơn” - ông Tuấn Anh chia sẻ.
Theo đại diện khách sạn Renaissance Riverside Saigon (quận 1), dịp lễ 30/4 và 1/5, khách sạn lần đầu tiếp nhận hàng chục lượt ý kiến phản hồi rất tích cực của khách hàng. Một quản lý khách sạn đã khoe với chúng tôi một lưu bút ấn tượng của một khách du lịch nước ngoài để lại. “Được nhìn pháo hoa ở view đẹp nhất TPHCM. Chúng tôi không biết thành phố có tổ chức ngày đặc biệt như thế, và may mắn chúng tôi đã đặt vé cách đây 2 tháng trước. Chúng tôi cảm thấy quá may mắn vì tuần trăng mật rơi vào dịp này. Người Việt Nam quá tuyệt vời, thân thiện, đầy tự hào…” - chia sẻ của Phonea, một du khách người Anh.
Dù không có dịp tận hưởng không khí lễ hội 50 năm kỷ niệm thống nhất đất nước, nhưng chị Daria Thiện (SN 1974, kiều bào Mỹ) cho biết, đã có chuyến du lịch đáng nhớ về huyện Cần Giờ, TPHCM vào đầu tháng 5 này. “Huyện ven biển của TPHCM đang thay đổi từng ngày, với đại đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đang được xây dựng. Chồng tôi, một doanh nhân người Mỹ có ý định đầu tư nhà máy ở đây, chúng tôi có chuyến trải nghiệm để tham khảo giá cả nhà đất ở xã đảo Thạnh An, và khá hài lòng”. Cũng theo chị Daria Thiện, ngoài ưu tiên về giá cả nhà đất, môi trường đầu tư thông thoáng của TPHCM là một trong những điểm quyết định để gia đình chị quyết định về nước đầu tư sắp tới.
Đa dạng hóa điểm đến, sản phẩm
Theo báo cáo của Sở Du lịch TPHCM, tính từ ngày 27/4 đến 1/5 vừa qua, công suất phòng tại các khách sạn từ 1 đến 5 sao khu vực trung tâm thành phố đạt từ 95–100%. Nhiều khách sạn 4-5 sao kín phòng. Các khách sạn ở khu vực lân cận cũng đạt công suất từ 80% trở lên, đặc biệt trong hai ngày cao điểm 30/4 và 1/5, nhiều nơi “cháy phòng”.
Không chỉ dừng lại ở dịch vụ lưu trú, các cơ sở khách sạn – nhà hàng của TPHCM đã “tranh thủ” dịp này để chủ động đa dạng hóa điểm đến, sản phẩm du lịch và tổ chức nhiều hoạt động thu hút khách du lịch, như: treo cờ Tổ quốc, giăng băng rôn chào mừng Đại lễ Phật đản quốc tế tại mặt tiền và khu vực sảnh, trình chiếu hình ảnh cổ động, đăng tải thông điệp tri ân lịch sử trên các nền tảng trực tuyến... Bên cạnh các tour tham quan, trải nghiệm du lịch, các ấn phẩm, sách, quà lưu niệm kỷ niệm, đại diện Sở Du lịch TPHCM cho biết, các hoạt động kinh tế du lịch, dịch vụ mua sắm từ người dân và khách tham quan cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Một số đơn vị như Du lịch Việt ghi nhận tăng trưởng 20%, 58% khách mua tour chọn đi nội địa; Vietravel và Saigontourist ghi nhận lượng khách ổn định, tuy nhiên, nhu cầu du lịch trong thành phố cao nhờ sức hút từ các sự kiện kỷ niệm quy mô lớn. Đối với hệ thống Fahasa ghi nhận nhu cầu mua sắm sách, ấn phẩm cao hơn 110% so với cùng kỳ; hệ thống nhà sách Phương Nam, Bạch Đằng cũng tăng từ khoảng trên 30% trong dịp TPHCM tổ chức nhiều hoạt động lễ lớn vừa qua…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Trưởng phòng Quy hoạch phát triển Tài nguyên Du lịch thuộc Sở Du lịch TPHCM, chỉ tính riêng trong các dịp lễ lớn vừa qua, ghi nhận lượng khách du lịch nội địa đến thành phố tăng 26%, trong khi khách quốc tế đến địa đạo Củ Chi ghi nhận tăng trưởng 30%. Với kết quả này, ngành du lịch thành phố đánh giá, năm 2025 là năm quan trọng để thúc đẩy các sản phẩm thu hút khách du lịch đến TPHCM.
Còn theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM, nếu lấy những tăng trưởng ấn tượng của dịp 30/4 và 1/5 làm chuẩn, để phát huy nhiều hơn các hoạt động kích cầu du lịch đến cuối năm 2025, ngành du lịch TPHCM còn có thể đạt được tăng trưởng ấn tượng hơn nữa sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Dù vậy, chuyên gia này cho rằng, về cơ bản các sản phẩm du lịch của TPHCM còn thiếu và chưa tương xứng với các tiềm lực và vị thế hiện tại của đô thị “đầu tàu” kinh tế cả nước. Để thể hiện vai trò đóng góp quan trọng của mình trong cơ cấu kinh tế, ngành “công nghiệp không khói” cần tiếp tục đa dạng điểm đến và sản phẩm du lịch có tính đặc thù, để hấp dẫn du khách, tăng nguồn thu cho ngân sách.