Theo doanh nghiệp, do cách quản lý của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TP HCM) không hợp lý nên thời gian qua, các doanh nghiệp không đủ chi phí duy trì hoạt động.
Ngày 6/7, 10 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động đầu tư xe buýt trên địa bàn TP HCM đã đồng loạt kiến nghị UBND, các sở ban ngành thanh toán các khoản tiền công nợ liên quan đến trợ giá xe buýt. Nếu không được giải quyết, các doanh nghiệp này sẽ buộc phải ngưng hoạt động từ ngày 15/8 tới.
Đây là các doanh nghiệp đang đầu tư, quản lý, khai thác hầu hết các phương tiện xe buýt hoạt động ở TP HCM.
Theo các doanh nghiệp này, do cách quản lý của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TP HCM) không hợp lý nên thời gian qua, các doanh nghiệp không đủ chi phí duy trì hoạt động. Nhiều khoản tiền như trả lương nhân viên, nhiên liệu, thuê bến bãi, tiền lãi ngân hàng mua đầu tư xe… đã khiến doanh nghiệp đầu tư xe buýt thua lỗ.
Vừa qua, lần lượt một số tuyến xe buýt đã phải tạm ngưng do các doanh nghiệp đó không thể duy trì tài chính. Các doanh nghiệp thường xuyên chịu áp lực vì nợ tiền nhiên liệu như HTX Quyết Thắng đang nợ 5,2 tỷ đồng, Công ty CP vận tải thành phố nợ 7 tỷ đồng, công ty cổ phần xe khách Sài Gòn nợ 80 tỷ đồng…
Ngoài ra, các doanh nghiệp này cho biết, sau khi hưởng ứng phong trào thay mới phương tiện, nâng cao chất lượng xe buýt, nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng mua xe để chạy. Hiện tổng số tiền vay ngân hàng do mua phương tiện vào khoảng gần 50 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền trợ giá thường không được giải ngân kịp thời khiến doanh nghiệp phải đi vay để bù lỗ, trả lương nhân viên duy trì hoạt động. Ngoài ra, sản lượng hành khách sụt giảm cũng khiến nguồn thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.