Sau 2 tuần thí điểm, nhiều trường học tại TP HCM đã lên phương án mở rộng các khối lớp để tạo điều kiện cho học sinh tới trường.
Trong đó phương án được lựa chọn nhiều nhất là toàn bộ học sinh các khối 7,8,10,11 tới trường học trực tiếp cùng các khối 9,12. Một số trường cho biết, thời gian đầu có thể sắp xếp học sinh đi học xen kẽ như học một ngày, nghỉ một ngày để làm quen và thực hiện tốt việc giãn cách.
Thực tế sau 2 tuần cho học sinh tới trường, đã có một số học sinh, thầy cô giáo, nhân viên nhà trường là F0 nhưng các trường học đều có phương án xử lý hiệu quả, đúng theo quy trình. Việc xuất hiện F0 trong quá trình dạy và học thực tế không gây nhiều lo lắng cho phụ huynh học sinh. Chị Nguyễn Thị Phương, 41 tuổi ngụ tại phường Tây Thạnh (quận Tân Phú) cho biết, gia đình chị có 2 người con đang học lớp 7 và lớp 9. “2 tuần qua đứa lớn đi học tôi thấy cũng an tâm lắm. Vì giờ ai cũng tiêm vaccine rồi, đằng nào thì cũng phải cho tụi nhỏ đi học. Thế nên tôi ủng hộ việc cho học sinh lớp 7 đi học trở lại vì học ở nhà bọn trẻ thiệt thòi lắm”, chị Phương cho biết.
Cũng theo chị Phương, hiện TP HCM đã thực hiện việc chung sống bình thường với dịch Covid-19 nên dù không cho học sinh đi học thì nhiều học sinh vẫn tham gia các hoạt động xã hội khác. Trong khi đó, đại diện phòng Giáo dục quận Tân Phú đã lên kế hoạch cho toàn bộ học sinh từ lớp 7 tới lớp 12 đi học trực tiếp từ ngày 3/1 tới. Tuy nhiên, các trường chỉ được tổ chức dạy học bán trú, riêng khối 9 và 12 sẽ được học nội trú nhưng nhà trường phải đảm bảo đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch. Cũng dự kiến cho học sinh các khối từ 7 -12 đi học trực tiếp từ ngày 3/1 nhưng lãnh đạo phòng Giáo dục quận Gò Vấp cho biết, trước mắt các khối 7,8,10 và 11 sẽ được chia nhỏ (50% sĩ số) để học trực tiếp thời gian đầu nhằm đảm bảo an toàn, giãn cách đúng quy định. Ngoài các khối học nêu trên, nhiều quận, huyện thành phố trực thuộc TP HCM cũng đề xuất cho phép các trung tâm tin học, ngoại ngữ được phép mở cửa trở lại thí điểm với những điều kiện nhất định về an toàn phòng dịch. Theo tìm hiểu, phương án cho học sinh khối 7 -12 tới trường học trực tiếp từ ngày 3/1/2022 về cơ bản được lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố đồng tình.
Về phía nhà trường, cơ quan trực tiếp quản lý và phòng chống dịch cho biết sau 2 tuần thí điểm về cơ bản là an toàn, nằm trong sự tính toán, chuẩn bị trước. Tuy nhiên một số trường nêu khó khăn là kinh phí để phòng, chống dịch, duy trì việc dạy và học rất cao. Ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng trường THCS Lạc Hồng (quận 10) cho biết, thời gian qua học sinh lớp 9 trở lại trường về cơ bản là bình thường, không phát sinh tình huống bất ngờ dù địa bàn quận có nhiều ca nhiễm. Do trong giai đoạn thí điểm nên học sinh lớp 9 chỉ học 6 môn quan trọng để phục vụ thi tốt nghiệp, chuyển cấp còn các môn khác vẫn học trực tuyến. Ngoài ra ông Phát cũng cho biết, nhà trường luôn yêu cầu học sinh, giáo viên cán bộ nhân viên thực hiện tốt việc 5K cũng như khuyến khích phụ huynh xét nghiệm định kỳ cho học sinh (3 hoặc 5 ngày/lần).
Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM sau 2 tuần thí điểm, học sinh khối 9,12 vẫn tiếp tục đến trường sau ngày 27/12 như trước đó. Tổng kết do các trường, cơ sở giáo dục báo cáo cho thấy, tỉ lệ học sinh tới trường trung bình khoảng 96%. Điều đáng nói khi bắt đầu đi học lại, tỉ lệ này chỉ là 80%. Hiện nay hầu hết học sinh lớp 9,12 không thể đến trường là do các em ở tỉnh xa, đang bị bệnh, là F0, F1 đang thực hiện cách ly...
Về kế hoạch mở rộng các khối khác học trực tiếp, ông Dũng cho biết thành phố sẽ tiếp thu ý kiến trực tiếp của phụ huynh học sinh (thông qua khảo sát), đánh giá của các trường, phòng Giáo dục địa phương trước khi tổng hợp để báo cáo UBND thành phố đưa ra quyết định chính thức. Dự kiến ngày 3/1/2022 tới sẽ có một số khối được tới trường học trực tiếp tùy vào mức độ dịch trên địa bàn do Sở Y tế công bố.