Sau gần 1 tháng chuyển qua giai đoạn “bình thường mới”, mặc dù còn ngổn ngang khó khăn nhưng người dân TP HCM và một số tỉnh phía Nam đã dần thích nghi…
Nhiều tuyến xe buýt tiếp tục hoạt động
Từ đầu tháng 10, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã từng bước khôi phục hoạt động các tuyến xe buýt ở các vùng xanh. Theo bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc HTX Vận tải và du lịch Thanh Sơn, từ ngày 5/10 thành phố đã cho phép 4 tuyến xe buýt ở huyện Cần Giờ hoạt động trở lại. Theo đó, các tuyến xe buýt hoạt động lại gồm tuyến 77 (Đồng Hòa - Cần Thạnh), tuyến 90 (phà Bình Khánh - Cần Thạnh), tuyến 127 (An Thới Đông - Ngã ba Bà Xán), tuyến 128 (Tân Điền - An Nghĩa).
Mới đây nhất, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cũng xin ý kiến Sở Giao thông vận tải TP HCM và được đồng ý cho 8 tuyến xe buýt tiếp tục được mở lại.
Dù đã hoạt động trở lại được gần 1 tháng, tuy nhiên theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, hầu hết các bến xe buýt đều vắng khách. Tại bến xe buýt Sài Gòn sáng 27/10, có vài hành khách chờ đón xe. Trong khi tại trạm trung chuyển Hàm Nghi (quận 1) cũng chung cảnh đìu hiu. Theo một tài xế xe buýt số 20 (Bến Thành - Nhà Bè), lượng khách di chuyển trung bình khoảng 5 - 10 hành khách/chuyến, kể cả vào thời gian cao điểm.
TP HCM đang nới lỏng giãn cách nhiều hoạt động và để chuẩn bị đồng bộ cho quá trình bình thường mới, ngành GTVT thành phố có kế hoạch tiếp tục khôi phục hoạt động các tuyến xe buýt theo từng giai đoạn, trong mỗi giai đoạn lại thí điểm phù hợp với điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh. Mới đây, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM đề nghị ưu tiên mở lại các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ sau ngày 15/11.
Hiện nay, TP HCM cũng đang khôi phục 16 tuyến xe buýt kết nối với các đầu mối nhằm phục vụ trung chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các bến xe liên tỉnh, bến xe buýt. Nếu thích nghi an toàn, tiếp tục sẽ có 29 tuyến được mở lại để phục vụ nhu cầu đi lại của công nhân, người lao động.
Theo đề xuất, ngành vận chuyển hành khách công cộng của TP HCM sẽ khôi phục 70% lưu lượng so với thời điểm trước đợt bùng phát dịch thứ 4. Để chuẩn bị cho quá trình mở lại hoạt động, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM đã đề nghị các doanh nghiệp vận tải đang khai thác xe buýt trên địa bàn rà soát phương tiện, nhân sự đảm bảo điều kiện hoạt động. Riêng các tuyến không trợ giá cần thống nhất phương án hoạt động với các tỉnh lân cận trước khi có quyết định khôi phục. Theo kế hoạch, tất cả 90 tuyến xe buýt có trợ giá hoạt động lại đều phải đảm bảo vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 30 hành khách/chuyến (kể cả lái xe, nhân viên). Hành khách lên xe phải tuân thủ quy tắc 5K, đã tiêm phòng vaccine ít nhất 1 mũi đối với loại 2 mũi để được di chuyển.
Người bán vé số gượng dậy sau dịch
Là một trong những nhóm người nghèo, khó khăn và chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19, nhưng những ngày gần đây, hầu hết người bán vé số đều vui mừng khi quay trở lại công việc thường ngày. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh vé số khó bán hơn.
Chị Đặng Thị Trâm, 41 tuổi, có 5 năm làm nghề bán vé số cho biết, chị thường xuyên sử dụng xe đạp để bán ở khu vực huyện Đức Hòa (Long An). “Hồi trước tôi làm công nhân may bên Bình Tân (TP HCM) nhưng sau sức khỏe yếu, công ty cho nghỉ. Chồng tôi cũng bị tai nạn giao thông, phải ngồi xe lăn. Hai vợ chồng đi bán vé số nuôi con trai 4 tuổi. Sau đợt nghỉ dịch, từ hôm đi bán trở lại, chậm lắm. Trước mỗi ngày tôi bán từ 150 tới gần 200 tờ nhưng nay chỉ bán được bằng một nửa”, chị Trâm kể.
Cũng theo người phụ nữ này, dù hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều người nhưng chị cũng an tâm vì đã được tiêm vaccine và thực hiện đúng 5k, giữ khoảng cách khi mời khách mua vé số. “Dịch bệnh ai cũng sợ nhưng vẫn phải đi làm kiếm sống” – chị Trâm chia sẻ.
Hiện nhiều tỉnh, thành phía Nam như Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang...đã cho phép hoạt động xổ số kiến thiết được mở lại. Tại TP HCM mặc dù chưa chính thức cho công ty xổ số kiến thiết mở thưởng và dịch vụ bán vé số hoạt động nhưng ghi nhận thực tế nhiều đại lý vé số đã mở bán - Đây là các đại lý của những tỉnh, thành khu vực miền Tây Nam bộ. Ngoài đường phố, lác đác một số người bán vé số dạo cũng đã trở lại nhịp sống mưu sinh thường nhật.
“Từ tuần trước đại lý họ đã gọi điện thông báo mở bán trở lại nhưng tôi mới nhận bán từ đầu tuần này thôi. Hôm thứ 2 vừa rồi tôi đi bán vé lại, nhiều người quen gặp mừng lắm. Họ mua ủng hộ cũng nhiều nhưng sau đó thì ít khách lắm, có ngày chỉ bán được 70-80 tờ, chưa bằng một nửa so với trước dịch”, ông Nguyễn Văn Phong, 51 tuổi chia sẻ.
Ông Phong cho biết, quê ông ở Phù Cát (Bình Định) nhưng hai vợ chồng vào TP HCM bán vé số mưu sinh gần chục năm rồi. Đợt dịch vừa qua vợ ông bị F0 nhưng may mắn an toàn, chỉ cách ly tại nhà hơn tuần là tự khỏi.
“Hồi mới nghỉ dịch chỉ nghĩ vài bữa là đi bán lại ai dè nghỉ tận hơn 4 tháng. Cũng may chỗ tôi ở trọ người ta tốt bụng, giảm giá tiền phòng còn một nửa. Rồi hai vợ chồng cũng được hỗ trợ tiền và gạo mấy lần. Giờ thấy dịch cũng bớt mà mình lại tiêm 2 mũi vaccine nên không lo lắng gì nhiều. Chỉ mong mỗi ngày bán được hơn trăm vé là sống khỏe thôi”, ông Phong nói.
Tới thời điểm này, hầu hết dịch vụ ở các tỉnh, thành phía Nam đều được phép và chuẩn bị mở cửa trở lại. Đây không chỉ là tín hiệu vui mà còn là sinh kế của hàng ngàn người, nhất là người nghèo sau thời gian phải tạm ngưng do ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4.