TP Hồ Chí Minh: Quản lý tài sản công còn lỏng lẻo?

LÊ ANH 22/03/2023 09:36

Qua thanh tra tại TPHCM còn tồn tại thiếu sót trong quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là tuyến quận, huyện. Đáng chú ý, một số nơi còn tái diễn tình trạng sử dụng nhà, đất công vào mục đích trái quy định, gây thất thoát, lãng phí.

Sai phạm trong quản lý tài sản công tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) gây thất thoát nhiều tỷ đồng.

Kết luận của Thanh tra TPHCM vừa công bố đã xác định trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TPHCM) trong quản lý, sử dụng ngân sách. Đặc biệt, có những thiếu sót thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, Trưởng phòng Y tế huyện và Chủ tịch UBND xã Thạnh An trong các năm 2020, 2021.

Thanh tra TPHCM xác định, hầu hết các dự án trong số hơn 410 công trình đang được huyện Cần Giờ theo dõi thực hiện đều chậm tiến độ hoặc chậm quyết toán theo quy định. Cụ thể, có 23 dự án thuộc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cần Giờ đã quyết toán từ lâu nhưng chủ đầu tư chưa hoàn trả các khoản chênh lệch do số tiền thanh toán cao hơn số quyết toán gần 900 triệu đồng.

Điều đáng nói, nhiều khoản kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách thành phố cho huyện Cần Giờ không sử dụng hết hơn 32 tỷ đồng nhưng không hoàn trả về ngân sách. Chính quyền địa phương này cũng được cho là “làm ngơ” để doanh nghiệp tư nhân Phú Hào Khang được tạm giao gần 20.000m2 đất sai quy định tại thị trấn Cần Thạnh để kinh doanh. Đến nay, đơn vị được tạm giao đất đã không còn hoạt động tại địa phương nhưng cũng không nộp tiền thuê đất, làm thất thu ngân sách số tiền hơn 777 triệu đồng.

Theo Thanh tra TPHCM, ngoài các thiếu sót, lỏng lẻo quản lý tài sản công kể trên, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ đã để hơn 6.800 liều vaccine Pfizer hết hạn sử dụng nhưng chưa kịp thời đề xuất phương án xử lý đến Sở Y tế. Về vấn đề này, UBND huyện Cần Giờ cũng được xác định đã quản lý tài sản công chưa hiệu quả.

Thanh tra TPHCM khi kết luận thanh tra về trách nhiệm lãnh đạo trong việc chấp hành pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn quận 10 trong giai đoạn từ năm 2019-2021 đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 10 chưa xây dựng phương pháp xác định giá cho thuê nhà, đất công nhưng đã thỏa thuận giá cho thuê từng đơn vị. Việc sử dụng nhà, đất công cũng chưa hết công năng, không đúng mục đích. Ngoài ra, quá trình thực hiện quản lý, giữ hộ, tạm khai thác cho thuê ngắn hạn đối với nhà, đất công có trường hợp cho thuê không hiệu quả hoặc chưa tìm được người thuê trong suốt thời gian dài, gây lãng phí. Trước tình trạng này, Chánh Thanh tra TPHCM đã kiến nghị và được Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Minh Châu kết luận, giao Chủ tịch UBND quận 10 phải thực hiện nghiêm túc chỉ thị của UBND TPHCM về việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công. Nhất là, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo quy định.

Mới đây Thanh tra TPHCM kết luận thanh tra việc tổ chức các lớp dạy nghề cho người thất nghiệp và công tác quản lý, sử dụng tài chính tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM). Sau kết luận này, lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức rà soát, chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý tài chính, không để xảy ra việc chi chưa đúng quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý, kiểm kê tài sản, công cụ chưa đúng quy định. Đồng thời, UBND thành phố giao cơ quan công an tiếp nhận hồ sơ của các lớp dạy nghề do Trung tâm này tổ chức giảng dạy để điều tra, làm rõ một số nội dung và xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó không lâu, khi thanh tra về trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận 5 trong việc chấp hành pháp luật thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và quản lý, sử dụng tài sản công thời kỳ 2018 - 2020, UBND TPHCM cũng đã giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Thanh tra thành phố kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Chủ tịch UBND quận 5 và Giám đốc Sở Tài chính TPHCM giai đoạn 2018 - 2020.

Qua thanh tra về quản lý, sử dụng tài sản công tại nhiều địa bàn quận, huyện và cơ quan, đơn vị sở, ngành, Thanh tra TPHCM đều đã tham mưu, kiến nghị UBND TPHCM xem xét thu hồi các khoản tiền thu được từ hoạt động không đúng quy định, nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những vi phạm nêu trên.

Việc quản lý tài sản công lỏng lẻo hoặc năng lực yếu kém của một số cơ quan, ban, ngành đã dẫn tới những hậu quả về thất thoát, lãng phí lớn đối với ngân sách. Không ít trường hợp đã phải xử lý cán bộ, công chức do hành vi sai phạm đến mức phải xử lý hình sự. Điển hình trong các sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) liên quan đến cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến gây thiệt hại 348 tỷ đồng hay vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) vừa qua cũng đã khiến nhiều cựu lãnh đạo phải dính vào vòng lao lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Quản lý tài sản công còn lỏng lẻo?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO