Xã hội

TP Hồ Chí Minh: Rà soát công tác phòng cháy chữa cháy

LÊ ANH 03/06/2024 14:37

Sau vụ cháy xảy ra tại Hà Nội đêm 24/5 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 14 người tử vong, TPHCM tăng cường rà soát lại các nhà hẻm, phòng trọ, chung cư mini có nguy cơ cháy cao.

anh-bai-duoi.jpg
Công an hướng dẫn kỹ năng tự thoát hiểm khi có cháy cho người dân tại hẻm 525, đường Lê Văn Lương (phường Tân Phong, quận 7, TPHCM) ngày 30/5. Ảnh: CACC.

Tại TPHCM, ngày 30/5, một ngôi nhà trong hẻm đường Nguyễn Cửu Vân (phường 17, quận Bình Thạnh) cũng đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng làm 1 người tử vong, nhiều người bị thương.

Trước đó, ngày 11/4, vụ cháy dãy nhà ven kênh tại quận 8 (TPHCM) đã khiến 9 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp trong vụ cháy. Thành phố đã nhanh chóng thực hiện việc hỗ trợ chi phí thuê nhà cho những người thuê trọ và chủ nhà bị ảnh hưởng và cam kết tính toán phương án lâu dài đảm bảo PCCC, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cho người dân…

Vụ cháy tại Hà Nội khiến 14 người tử vong, một lần nữa là lời cảnh báo đắt giá đối với các đô thị lớn, tập trung đông lao động ngoại tỉnh về làm việc, trong đó có TPHCM.

Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an TPHCM đã tổ chức truyên truyền, hướng dẫn các chủ nhà trọ, nhà trong ngõ/hẻm, chung cư mini,... về các biện pháp an toàn PCCC đối với loại hình nhà trọ, trong đó đề nghị Ban quản lý, chủ nhà trọ phải thực hiện nghiêm các quy định về PCCC khi xây dựng và kinh doanh. Công an TPHCM đã chỉ đạo Công an các quận/huyện và TP Thủ Đức tổng kiểm tra, rà soát, phân loại đánh giá công tác an toàn PCCC-CNCH đối với cơ sở tập trung đông người, nguy cơ cháy nổ cao.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quang - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an TPHCM cho biết, chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 234 vụ cháy, làm chết 10 người, bị thương 4 người, kèm theo thiệt hại về tài sản ước tính khoảng trên 5 tỷ đồng. Hiện đang còn khoảng 64 vụ chưa ước tính được thiệt hại về kinh tế.

Theo Đại tá Quang, nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố trong sử dụng thiết bị điện; tình trạng vi phạm các quy định an toàn PCCC và cả nguyên nhân đến từ sự bất cẩn trong sinh hoạt, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt... của người dân.

Một lần nữa, câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” lại diễn ra rất đáng suy ngẫm trong công tác PCCC tại các đô thị lớn. Điều này tiếp tục đặt ra trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về PCCC- CNCH của các địa phương, cũng như hiệu quả thực tế các cuộc tuyên truyền về PCCC chưa hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Rà soát công tác phòng cháy chữa cháy