TP Hồ Chí Minh sắp xếp khu phố, ấp: Tạo đồng thuận, đảm bảo quyền lợi cán bộ cơ sở

LÊ ANH 28/09/2023 07:17

Dù rất khẩn trương triển khai sắp xếp lại khu phố, ấp, với thời hạn chót đến tháng 2/2024, thế nhưng nhiều địa phương của TPHCM vẫn thận trọng tổ chức từng bước, từ khâu khảo sát, lắng nghe ý kiến tâm tư, nguyện vọng nhân dân, để đảm bảo có được phương án phù hợp nhất, không để xảy ra nhiều xáo trộn và ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ ở khu phố, ấp.

Cán bộ MTTQ và Đoàn thanh niên phường Long Trường, TP Thủ Đức thường xuyên giải quyết trực tiếp nhiều vấn đề dân sinh tại cơ sở.

Lắng nghe cán bộ tâm tư

Trong số các địa phương tại TPHCM thực hiện sắp xếp khu phố, ấp, TP Thủ Đức có thuận lợi nhất khi đã có thời gian thực hiện mô hình “thành phố trong thành phố” được hơn 2 năm (theo Nghị quyết 54). Theo ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, hiện nay trên địa bàn có 34 phường, 199 khu phố với hơn 391.000 hộ gia đình. Khi Sở Nội vụ TPHCM hướng dẫn sắp xếp khu phố, ấp, TP Thủ Đức đã sớm đề xuất được tiến hành thí điểm việc sắp xếp trước tại các phường An Phú, Hiệp Bình Phước và Phú Hữu.

Về kết quả cụ thể, theo ông Tùng, sau khi thí điểm, số lượng cán bộ hoạt động không chuyên trách đã giảm 183 người (khoảng 32,5%) nhưng số lượng khu phố tăng lên. Đồng thời, đến nay thành phố cũng đã ban hành quyết định công nhận tạm thời các khu phố mới sau sắp xếp.

Nói về các khó khăn phát sinh trong quá trình sắp xếp khu phố, ấp, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, đó chính là vấn đề liên quan đến tâm tư tình cảm của đội ngũ cán bộ không chuyên trách, cũng như khó khăn về kinh phí triển khai. Ngoài ra, việc thành lập các trụ sở khu phố mới cũng phải tính toán vì liên quan đến bố trí quỹ đất, tổ chức hoạt động…

“Ở tổ dân phố và khu phố, thực tế có rất nhiều băn khoăn, trong đó việc sắp xếp này kéo theo việc phải sắp xếp lại các Chi bộ hoặc là Đảng bộ tại các cơ sở. Quá trình thực tế, đi cơ sở, ghi nhận có rất nhiều cô, chú, các đồng chí đảng viên bày tỏ tâm tư” - ông Tùng nói.

Đối với các quận, huyện có dân số tập trung đông, như quận Bình Tân gặp các vấn đề phát sinh phức tạp hơn. UBND quận từng nhiều lần kiến nghị xin thêm cơ chế do áp lực dân số tăng nhanh, cùng lượng người nhập cư đổ về ngày càng lớn. Trong đó, chưa kể số lượng lớn người lao động, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, quận đã xấp xỉ 1 triệu dân. Trong khi, mỗi năm quận tăng từ 28.000 đến 35.000 dân. Theo tính toán, trong những năm tới, dân số quận này sẽ tiếp tục tăng.

Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo quận Bình Tân với bí thư chi bộ khu phố trong việc tổ chức thực hiện sắp xếp khu phố trên địa bàn vào ngày 26/9, bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, trước khi sắp xếp khu phố, quận có 130 khu phố và 1.669 tổ dân phố. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp sẽ có 367 khu phố và không còn tổ dân phố. Đồng thời, khu phố sau khi sắp xếp sẽ còn 5 chức danh, bao gồm bí thư, trưởng khu phố, trưởng ban Công tác Mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ và bí thư chi đoàn thanh niên. Những vị trí này được hưởng phụ cấp từ ngân sách kèm theo những điều kiện làm việc thuận lợi hơn. Để đảm bảo quyền lợi và điều kiện công tác cho cán bộ sau sắp xếp khu phố, UBND quận Bình Tân đã chỉ đạo về cơ chế hỗ trợ hàng tháng từ đoàn phí, hội phí, hỗ trợ kinh phí hoạt động và từ các nguồn quỹ khác (nếu có) phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Tổ chức chặt chẽ, thống nhất

Về việc triển khai kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn TPHCM, bà Thái Thị Bích Liên - Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM lưu ý, đối với các địa phương cần tổ chức quá trình sắp xếp bằng kế hoạch cụ thể, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế từng quận, huyện. Đặc biệt, quá trình này cần phải thực hiện trên cơ sở sự đồng thuận và ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân.

Ông Huỳnh Khắc Điệp - Bí thư Quận ủy Bình Tân cho biết, trước khi sắp xếp quận đã tổ chức tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo quận với bí thư chi bộ khu phố trong việc tổ chức thực hiện sắp xếp khu phố trên địa bàn. Qua đó, để giúp lãnh đạo quận lắng nghe, ghi nhận thêm các ý kiến, khó khăn, kiến nghị liên quan khi thực hiện sắp xếp khu phố.

Hiện nay, quận Bình Tân rất quan tâm đến công tác này vì sau sắp xếp lại khu phố sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ở cấp cơ sở. Qua đó, phát huy tính tự quản, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương triển khai. Cũng theo ông Điệp, chủ trương của quận khi triển khai sắp xếp khu phố trên địa bàn nhằm phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Theo lộ trình thực hiện, TPHCM sẽ hoàn thành việc sắp xếp khu phố, ấp vào tháng 2/2024 và ngay sau đó sẽ tổ chức hội nghị tổng kết về việc sắp xếp này vào tháng 3/2024. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, quá trình sắp xếp sẽ được thành phố theo sát, chỉ đạo kịp thời phù hợp với hoàn cảnh của từng địa bàn trên nguyên tắc chung là không làm phát sinh biên chế, quỹ tiền lương, tài sản công. Đồng thời, thành phố cũng sắp xếp lại cán bộ trên cơ sở ghi nhận, động viên những người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm tại cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh sắp xếp khu phố, ấp: Tạo đồng thuận, đảm bảo quyền lợi cán bộ cơ sở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO