Mặc dù TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 giãn cách toàn xã hội từ 0h ngày 9/7, cùng với 3 chợ đầu mối và khá nhiều chợ truyền thống đóng cửa. Tuy nhiên, Sở Công thương khẳng định, hàng hóa vẫn về các chợ. Sở sẽ phối hợp cùng các ngành khác để hàng hóa thông thương thuận lợi hơn.
Hàng hóa vẫn về các chợ
Theo Sở Công thương, khảo sát thực tế tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng về các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa xung quanh chợ khoảng 900 tấn/ngày đêm. Bên cạnh đó, lượng hàng các thương lái lớn bán hàng qua kênh điện thoại, Zalo, giao hàng trực tiếp không về điểm tập kết ước khoảng 1.200 tấn/ ngày đêm.
So với ngày hôm trước, tính đến sáng ngày 8/7, tổng lượng hàng đạt 2.100 tấn/ngày đêm, giảm hơn 34%. Trong đó, nhóm mặt hàng thịt gia súc 300 tấn/ngày đêm; nhóm mặt hàng thủy hải sản khoảng 50 tấn/ngày đêm, nhóm mặt hàng rau củ quả, trái cây khoảng 1750 tấn/ngày đêm.
Tại khu vực chợ đầu mối Hóc Môn, các tiểu thương lớn vẫn đưa hàng về kinh doanh qua hình thức giao hàng trực tiếp cho các thương lái, mối quen, hàng không vào chợ, tập trung chủ yếu dọc theo 2 bên tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, Quốc lộ 22 hướng từ Ngã ba Chợ đầu mối về bến xe An Sương và ngược lại với sản lượng đêm qua khoảng 550 tấn.
Tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức đưa hàng về kinh doanh bán hàng trực tiếp trên các tuyến đường xung quanh chợ đầu mối, khu dân cư sau chợ, đường Ngô Chí Quốc sau chợ, đường Xa lộ Hà Nội gần chợ với sản lượng rau củ quả ước đạt 750 tấn.
Tương tự, chợ Bình Điền các thương lái lớn chuyển hình thức kinh doanh giao hàng trực tiếp. Một số thương lái tập kết hàng dọc đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) để giao/nhận hàng, sản lượng rau củ quả khoảng 450 tấn, thủy hải sản khoảng 50 tấn.
Liên quan đến thị trường hàng hóa thiết yếu, Sở Công thương TP HCM vừa cho biết, hầu hết giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng trong ngày 8/7. Do số lượng chợ tạm dừng hoạt động tăng cao, người dân mua nhiều, chợ thiếu hàng cục bộ.
Giá thịt heo pha lóc tăng khoảng 10% - 20% so với ngày 7/7. Trong đó, thịt heo đùi 160.000 đ/kg (tăng 20.000 đồng/kg), thịt heo vai 150.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg), chân giò 140.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg), thịt ba rọi: 210.000 đồng/kg (tăng 30.000 đồng/kg).
Mặt hàng rau củ quả đều tăng khoảng 2% - 5% so với một ngày trước đó. Cụ thể, dưa leo 14.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), cà rốt Đà Lạt 17.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), khổ qua 18.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg).
Theo dõi chặt diễn biến thị trường
Trước “cơn bão” mua hàng hóa thiết yếu, ông Lâm Thanh Quốc - Tổng Giám đốc Satrafoods khẳng định, do lượng khách mua hàng trong những ngày qua tăng mạnh dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ trong cung ứng. Đơn vị đã tăng cường thêm nhân viên để kịp thời cung cấp hàng hóa lên kệ.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng, việc tập trung lượng người mua sắm tại cùng một thời điểm đã tạo nên sự thiếu hụt nhất định. “Người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong mọi tình huống. Sở đã làm việc với các chuỗi cung ứng để kịp thời tăng nguồn hàng, tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng”, lãnh đạo ngành công thương thành phố nói.
Liên quan đến vấn đề vận chuyển hàng hóa về thành phố sao cho thuận lợi nhất, ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, 4 tỉnh giáp ranh thành phố là Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương đã thành lập các chốt kiểm soát, yêu cầu tài xế trình giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng 3 hoặc 5 ngày mỗi khi đi qua.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM đang bàn bạc và thống nhất với các đơn vị liên quan về thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho viêc vận chuyển hàng hóa nhằm cung ứng tốt cho thị trường thành phố.
Trước những giải pháp siết chặt công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố có tác động không nhỏ đến thị trường hàng hóa, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo Sở Công thương và Sở Tài chính và phải nắm bắt tình hình.
Thành phố yêu cầu Sở Công thương tham mưu UBND xem xét, phê duyệt phương án điều tiết hàng hóa thông qua việc chuyển đổi phương thức vận chuyển, giao nhận. Không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo nguồn cung ứng.
Lãnh đạo thành phố cũng giảo Sở Tài chính theo dõi tình hình giá cả, tham mưu UBND TP HCM kịp điều chỉnh kịp thời các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong chương trình bình ổn thị trường phù hợp với tình hình, đảm bảo định hướng và dẫn dắt thị trường. Đặc biệt, Sở Tài chính cần phối hợp với các bên liên quan triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm về giá.