Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP HCM tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, chiều ngày 9/12.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, năm 2021, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động nặng nề đến nhiều mặt của thành phố, đất nước. Đó là kinh tế tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt lao động. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân,...
Uớc tính thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 của thành phố trong năm 2020 và 2021 vào khoảng 273 ngàn tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2021 ước ở mức âm.
Trong bối cảnh những tháng cuối năm 2021 và nhìn đến năm 2022, tình hình dịch bệnh với biến chủng Delta vẫn tiếp tục gây nhiều vấn đề rất đáng quan ngại và hiện nay với biến thể mới Omicron đang lây lan nhanh hơn (500% so với biến thể Delta).
Nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covdi-19” và thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, HĐND TPHCM đề nghị UBND thành phố tập trung phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Theo đó, thành phố cần thực hiện có hiệu quả các kịch bản về tăng trưởng để có giải pháp thiết thực, hiệu quả bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó có chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6%-6,5%.
Đẩy mạnh thực hiện chủ đề năm nhằm tạo môi trường, điều kiện thu hút các đối tác chiến lược, tiềm năng vào thành phố. Quan tâm các nội dung thực hiện Nghị quyết số 26 về tập trung đầu tư hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030, tăng cường giám sát các vụ việc tồn tại, kéo dài để kịp thời đề xuất, kiến nghị Thành ủy lãnh đạo xử lý dứt điểm nhằm phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm như kỳ vọng của thành phố đã đề ra.
Tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội để đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo HĐND thành phố, trong các giải pháp hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp thì trọng tâm nhất của chính quyền thành phố là tập trung công tác cải cách hành chính. Cụ thể hóa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là đối với các dự án đầu tư mới, dự án tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng. Hoàn thành đề án đô thị thông minh để sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành quản lý Nhà nước; đầu tư hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh của Thành phố.
Tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống của dhân dân. Nhất là những người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch Covid-19.
Tăng cường củng cố hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội, chăm lo các đối tượng đặc biệt, nhất là các cháu mồ côi cha mẹ, người già neo đơn, không nơi nương tựa, người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Chuẩn bị các phương án kiểm soát an toàn trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết cổ truyền dân tộc.
Chiều cùng ngày, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về dự toán thu ngân sách nhà nước; thu, chi ngân sách thành phố năm 2022.
Theo đó, các đại biểu HĐND TP HCM đã biểu quyết thông qua tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 386.500 tỷ đồng, tăng 5,94% so với dự toán năm 2021 và tăng 4,34% so ước thực hiện năm 2021.
Trong đó thu nội địa 259.568 tỷ đồng . Trong đó, tổng thu ngân sách địa phương 89.739 tỉ đồng, tổng chi ngân sách địa phương 99.669 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 43.546 tỷ đồng, chi thường xuyên 48.666 tỷ đồng, dự phòng ngân sách 3.400 tỷ đồng...