Giáo dục

TP Hồ Chí Minh tìm cách giải “bài toán” sĩ số

Đoàn Xá 12/08/2024 10:30

Chỉ còn ít ngày nữa là bắt đầu năm học mới, nhưng “bài toán” về việc duy trì sĩ số ở mức 35 học sinh /lớp theo yêu cầu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trên địa bàn TPHCM vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, bậc Tiểu học ở nhiều địa phương do mật độ dân số tăng cao, sĩ số lớp thường vượt ngưỡng trên khá nhiều, dù có nhiều ngôi trường vừa được đưa vào sử dụng.

anhbaitren(1).jpg
TPHCM tìm cách giảm sĩ số lớp mỗi năm học mới. Ảnh: Đ.Xá.

Tín hiệu tích cực

Ngành giáo dục TPHCM cho biết, trước khi năm học 2024 - 2025 bắt đầu, hàng chục trường tiểu học, THCS ở khu vực vùng ven như quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh… đã được đưa vào sử dụng. Cụ thể, tại quận Bình Tân có thêm 7 trường (gồm 5 trường tiểu học, 1 trường mầm non và 1 trường THCS), với 204 phòng học mới; huyện Hóc Môn cũng vừa đưa vào hoạt động 1 trường tiểu học với công suất 20 phòng nhằm giảm áp lực cho các trường lân cận. Được biết, hầu hết các trường học vừa đưa vào sử dụng cho năm học mới này đều được xây dựng đúng theo chuẩn, hiện đại với phòng ốc, nhà để xe, sân trường, sân chơi, trang thiết bị dạy học, cây xanh… đạt chất lượng. Theo kế hoạch, tới năm 2025, để chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, TPHCM có kế hoạch đưa vào sử dụng thêm 4.500 phòng học mới ở nhiều địa phương.

Được biết, những năm gần đây, trước khi bước vào năm học mới, thành phố luôn khánh thành nhiều trường học nằm rải rác ở các địa phương để đáp ứng nhu cầu. Ngoài các trường công lập do ngân sách đầu tư xây dựng thì nhiều trường từ bậc mầm non tới THPT do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng cũng được đưa vào hoạt động. Thậm chí như ở địa bàn quận 12 năm học này, số lượng phòng học ở đơn vị ngoài công lập đưa vào hoạt động còn nhiều hơn cả công lập. Việc kết hợp song song giữa nguồn vốn ngân sách và xã hội hoá để tăng thêm trường, phòng học nhằm giảm áp lực sĩ số lớp là chính sách đang được ngành giáo dục TPHCM thực hiện nhiều năm qua. Mô hình các trường ngoài công lập ở TPHCM rất đa dạng, với mức học phí chỉ hơn 1 triệu đồng cho tới vài chục triệu đồng mỗi tháng, giúp cho phụ huynh và học sinh (HS) có những lựa chọn thích hợp.

Bài toán dài hơi

Mặc dù đã có một số tín hiệu tích cực kể trên nhưng hiện nay nhiều trường, đặc biệt là bậc tiểu học ở TPHCM vẫn không đáp ứng được yêu cầu sĩ số 35 HS mỗi lớp. Nguyên nhân chính của tình trạng này là việc gia tăng dân số cơ học, chủ yếu ở khu vực quận, huyện vùng ven khiến cho hạ tầng trường lớp thường không theo kịp. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, bình quân mỗi năm, ở thành phố tăng thêm khoảng 25.000 HS (tương đương hơn 700 phòng học). Ngoài ra, có 20% số HS trên địa bàn chưa có hộ khẩu thường trú. Điều này cũng ảnh hưởng tới việc duy trì sĩ số lớp học, bởi nhóm học này có thể theo cha mẹ di chuyển chỗ ở từ quận huyện này sang quận huyện khác khiến cho việc kiểm soát, dự báo trước mỗi năm học mới gặp khó khăn. Dưới áp lực này khiến cho sĩ số lớp gia tăng, vượt chuẩn 35 HS ở một số trường.

Cụ thể, trên địa bàn quận Bình Tân, thống kê cho thấy năm học 2024 - 2025, quận sẽ đón gần 7.000 trẻ vào bậc mầm non, 10.000 HS vào bậc tiểu học (lớp 1), 10.500 HS vào lớp 6. Vì thế, dù đã khánh thành 7 trường học mới, nhưng sĩ số lớp vẫn vượt 35 HS (ở bậc tiểu học). Theo đó, sĩ số trung bình là 38 HS/lớp (có trường ít hơn, trường nhiều hơn). Dù chưa đạt chuẩn nhưng con số 38 HS cũng giảm đáng kể so với năm học trước (trung bình là 42,2 em/lớp). Tại quận Gò Vấp, sĩ số trung bình ở bậc tiểu học đang là 41,8 em/lớp, cao hơn mức chuẩn là gần 7 em mỗi lớp… Được biết, hầu hết áp lực về sĩ số lớp ở TPHCM tới từ bậc tiểu học, nơi có số lượng HS đông đảo nhất. Ở các bậc sau THCS hay THPT, áp lực này giảm rất nhiều và gần như không còn là nỗi lo của ngành giáo dục.

Với đặc thù là đô thị hiện đại, mức độ gia tăng dân số cơ học ở TPHCM luôn đứng top đầu cả nước. Vì vậy, việc xây dựng hạ tầng trường lớp thường phải mất một thời gian, có độ lùi nhất định để đáp ứng nhu cầu thực tế. Cụ thể, sau khi xác định các khu vực (phường, xã, thị trấn) nào đó có mức tăng dân số lớn, nhu cầu học (bậc mầm non, tiểu học…) thì ngành giáo dục mới có phương án để xây dựng thêm cơ sở mới. Việc xây dựng này cũng phải mất từ 1 - 3 năm. Do không thể xây dựng mở rộng trường lớp trước khi có ghi nhận thực tiễn về gia tăng dân số nên việc xuất hiện tình trạng quá tải sĩ số ở các khu vực trên là điều khó tránh khỏi và thường xuyên diễn ra mỗi đầu năm học. Vì vậy, bài toán về sĩ số lớp luôn là bài toán dài hơi, phải có độ trễ nhất định so với thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh tìm cách giải “bài toán” sĩ số