Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, và đặc biệt bước vào thời kỳ đổi mới (bắt đầu từ 1986), TP HCM đã có một bước tiến dài về phát triển kinh tế. Nhận định về sự phát triển và đổi mới của TP HCM, không ít nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự phát triển một cách tích cực xứng đáng là một thành phố đầu tàu của cả nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.
(Ảnh: Hồng Phúc).
Đầu tàu của sự phát triển
Vượt qua những khó khăn sau 10 năm đầu giải phóng, kinh tế TP HCM đã khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Kinh tế thành phố luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm. Giai đoạn từ 1976-1985, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP.HCM chỉ tăng bình quân 2,7%/năm thì trong giai đoạn 1991-2010, TP HCM là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 con số trong suốt 20 năm. Từ năm 2011 đến nay, TP HCM cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%, tăng 1,6 lần so với bình quân chung của cả nước. GDP bình quân đầu người liên tục tăng nhanh, từ khoảng 700 triệu USD giai đoạn 1995 -1996, đến năm 2014 chỉ số trên đạt mức 5.131 USD.
Tiếp tục thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển, năm 2017 TP HCM đang nỗ lực nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. “Sau 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, đồng thời cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, TP HCM đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Chính trị - xã hội của thành phố luôn được giữ vững; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, quy mô kinh tế được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đứng hướng; các nguồn lực xã hội được phát huy; các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển vượt bậc; đời sống người dân ngày càng được nâng cao”- bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM nhấn mạnh.
Dựa trên những thành quả đạt được, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, hơn 40 năm qua, thành phố luôn quán triệt quan điểm tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng dạy và học được nâng cao, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được thực hiện khá tốt; hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư vừa ở nội đô và cả ngoại thành; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện; quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường.
Bàn về giải pháp phát triển của thành phố trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, kiến tạo môi trường đầu tư với độ mở chưa từng có. Thành phố quan tâm và khuyến khích, cam kết đồng hành và lắng nghe để doanh nghiệp đủ sức bước vào sân chơi chung của thế giới và khu vực. Doanh nghiệp không hội nhập nền kinh tế cũng không hội nhập. Theo ông Nguyễn Thành Phong, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP thành phố năm 2017 là 8,4 - 8,7%, tuy nhiên quý 1-2017 mới đạt 7,46%. Vì vậy, các ngành, địa phương phải đề ra giải pháp mang tính quyết liệt hơn để đạt mục tiêu đề ra vào cuối năm 2017. Thành phố không ngừng phát triển quy mô kinh tế, tiềm lực và sự đóng góp cho cả nước ngày càng lớn.
Trăn trở “xé rào”
Lâu nay TP HCM vẫn giữ vai trò đầu tàu kinh tế đất nước nhưng so với các đô thị khác trong khu vực thì vẫn còn những vấn đề phải giải quyết.
Trước những lo ngại khi TP HCM chậm phát triển mặc dù điều kiện thuận lợi không ít, TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: “Tại sao đầu tàu mà phát triển chậm. Ai chịu trách nhiệm về sự tụt hậu này?”. Tự trả lời câu hỏi trên, chuyên gia này cho rằng TP HCM muốn bứt phá để phát triển nhưng bị vướng vào nhiều rào cản. Sang năm 2017, Trung ương sẽ giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM, từ 23% xuống còn 18%. Với mức ngân sách bị cắt giảm thành phố lo lắng sẽ không đủ điều kiện để tái đầu tư, xây dựng hạ tầng. Đơn cử, nếu như TP. HCM bị cắt 1% ngân sách tương đương khoảng 17.000 tỷ đồng. Nếu giảm 5%, từ mức 23% còn 18% thành phố sẽ bị sụt giảm trên 80.000 tỷ đồng. Như vậy kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ gặp khó khăn.
TP HCM có truyền thống tiên phong trong đổi mới kinh tế, nhưng thành phố cũng đang dần bộc lộ những yếu điểm về cơ sở hạ tầng quá tải, ngập nước, tắc nghẽn giao thông,… Phân tích nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của TP HCM, TS Huỳnh Thế Du cho rằng, thành phố có 3 trục trặc chính chưa giải quyết được. Thứ nhất, ngân sách được giữ lại ít, tức là thiếu nguồn lực chính để phát triển. Thứ hai, đội ngũ công chức thiếu động cơ và công cụ hữu hiệu. Thứ ba, thành phố chưa có chiến lược hay tầm nhìn phát triển dài hạn một cách rõ ràng do eo hẹp về nguồn lực, thiếu động cơ . Đặc biệt, chưa tận dụng được đúng mức sức mạnh của đội ngũ trí thức, doanh nhân.
Lãnh đạo và nhiều giới chức thừa nhận TP HCM vẫn thụ động trong chính sách đổi mới, nặng nề phát triển cùng “chiếc áo chật”. Sau nhiều năm gồng mình di chuyển nhẹ nhàng vì sợ “chiếc áo cơ chế” bị đứt chỉ, thành phố chủ động “vượt rào” bằng cách xin Trung ương cơ chế đặc thù riêng. Bí thư Đinh La Thăng từng đặt vấn đề: “Thành phố còn nhiều dư địa phát triển không? Chúng ta luôn nói thành phố phát triển chưa tương xứng tiềm năng, vậy làm gì, cơ chế, chính sách nào phát huy tiềm năng thành phố?”
Theo ông Thăng, không có câu trả lời nào thuyết phục hơn là phải tháo gỡ ngay những bất cập, khó khăn từ cơ chế, những khuyết điểm và hạn chế chủ quan. Phải triển khai thực hiện nhanh chóng, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và 7 chương trình đột phá được xác định tại Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ thành phố, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Thành phố hiện đại không chỉ bằng cơ sở hạ tầng, bằng dịch vụ công mà phải bằng quản trị hiện đại, công nghệ hiện đại, tư duy hiện đại để tiếp thu và vận dụng cái mới trong quản lý, điều hành, trong sản xuất - kinh doanh, trong từng hoạt động của mọi lĩnh vực cuộc sống.
Ông Chu Tiến Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tại TP HCM có tăng nhưng năng lực cạnh vẫn yếu, chi phí vốn cao hơn doanh nghiệp nước ngoài, nguyên liệu không ổn định. Kết quả, 35% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt đóng góp GDP cho thành phố, 32% doanh nghiệp tự tin cạnh tranh trên sân nhà, số còn lại là bi quan. Thành phố đã đổi mới, phát triển và hội nhập tốt, doanh nghiệp thành phố hy vọng, thời gian tới lãnh đạo thành phố có những quyết sách mang tính chất đột phá nhằm tăng năng lực cạnh tranh cộng đồng doanh nghiệp thành phố. TS Trần Du Lịch:Thời gian qua, TP HCM luôn thể hiện rõ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước thông qua các chỉ số phát triển về công nghiệp, dịch vụ, bán lẻ…. GDP thành phố liên tục tăng trong nhiều năm liền, thành phố đóng góp nhiều ngân sách cho nhà nước. Về thể chế, thành phố đã hình thành thể chế rất tốt song còn vướng nhiều trở ngại vì hệ thống pháp luật bao phủ nhiều lĩnh vực đụng vào thấy khó. Hiện, luật đã mở, thành phố cần phải quay lại tổ chức chính quyền đô thị vì đây là khâu đột phá cho sự phát triển. Tuy nhiên, trước mắt thành phố nên kiến nghị Chính phủ xây dựng một nghị định phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho thành phố theo tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương bao gồm các lĩnh vực quản lý nhà nước chủ yếu trên địa bàn. Trong đó ưu tiên về thể chế tài chính công; quản lý đô thị và tổ chức bộ máy hành chính địa phương theo tinh thần Nghị quyết 20 và Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị. Tóm lại, phải xem xét sự tương quan giữa TP HCM với các thành phố khác trong khu vực chứ không thể so với các thành phố của các nước. GS.TS Mai Hồng Quỳ- Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM: Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà thành phố trình trong thời gian qua tuy chưa thuyết phục và chưa được chấp nhận nhưng công bằng mà nói đề án này có ý nghĩa nhất định về đề xuất một số mô hình tổ chức bộ máy chính quyền. Thành phố cần tiếp tục kiên trì đề xuất Trung ương để có được cơ chế đặc thù cho thành phố về tổ chức bộ máy. Theo đó, sẽ tổ chức chính quyền hai cấp với cơ chế bảm đảo sự thống nhất về hoạt đồng hành chính, không chia cắt, phù hợp với chính quyền đô thị. Thành phố cần tiếp tục xin cơ chế riêng về công tác cán bộ, xin cơ chế riêng cho hoạt động thu - chi ngân sách với tỷ lệ điều tiết ổn định trong vòng 5 năm. |