TP Hồ Chí Minh trước vận hội mới

Lê Anh 28/06/2023 08:24

Ngay khi các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV bấm nút thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố đã sẵn sàng nguồn lực để thực hiện, từ 1/8 tới đây.

Khơi thông cơ chế phát triển hạ tầng đô thị và giao thông trọng điểm sẽ giúp TPHCM bứt phá mạnh mẽ.

Dự kiến ngày 7/7, TPHCM sẽ tổ chức Hội nghị cán bộ quán triệt Nghị quyết và triển khai các Chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của HĐND, UBND; thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác để theo sát tiến độ đôn đốc. “Thành phố rút kinh nghiệm việc triển khai Nghị quyết 54 trước đó vì đã mất quá nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị nên kết quả không đạt như mong đợi. Lần này, công tác chuẩn bị đã tốt hơn và thành phố sẽ nhanh chóng bắt tay vào làm ngay” - ông Phan Văn Mãi khẳng định.

Ông Mãi cũng cho biết, với nghị quyết mới, thành phố sẽ thiết kế các cơ chế, chính sách để vừa tháo gỡ một phần những khó khăn, vướng mắc hiện hữu, vừa tạo cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Nguồn lực đầu tư đến từ cộng đồng DN thành phố, trong nước và kể cả nước ngoài, từ đó mang lại cơ hội, khả năng cạnh tranh của các DN để cùng phát triển.

So với Nghị quyết 54 trước đây, Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TPHCM gồm nhiều chính sách đặc thù mới lần đầu được quy định về đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Đáng chú ý, TPHCM được phép áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Trong đó, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, quy hoạch vùng đô thị, vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3.

Cùng đó, TPHCM cũng được chủ động linh hoạt đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo. HĐND TPHCM cũng tự quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên 50% tổng mức đầu tư và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn.

Về phía UBND TPHCM cũng được tự quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại các dự án này.

Theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM, về cơ bản Nghị quyết mới gồm 2 nhóm: Nhóm các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng tại các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội. Và hai là nhóm các chính sách mới lần đầu tiên cho phép TPHCM được thí điểm trong các lĩnh vực về đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và kể cả tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức.

Về việc TPHCM chính thức được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, Nghị quyết mới được kỳ vọng rất lớn, sẽ giúp TPHCM có điều kiện nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố trở thành đầu tàu cả nước về kinh tế số, xã hội số; là trung tâm kinh tế tài chính, thương mại mang tầm khu vực. Ông Ngân nhấn mạnh, đây là giai đoạn đầu rất quan trọng để TPHCM tận dụng cơ hội tăng tốc phát triển, trước hết là việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù. HĐND và UBND TPHCM cần bắt tay ngay vào chuẩn bị các kế hoạch hành động theo chương trình của Thành ủy.

Cùng sự kỳ vọng rất lớn vào giai đoạn phát triển mới của TPHCM, TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia chú ý đến nhóm cơ chế, chính sách đặc thù lần đầu tiên TPHCM được thí điểm tương đối hệ thống so với Nghị quyết 54 cũ. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện để TPHCM phát huy sự năng động, sáng tạo, tăng tính minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước.

Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Lịch đánh giá cao việc cho phép TPHCM khai thác các quỹ đất dọc tuyến giao thông lớn như các đường vành đai, cao tốc; chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực công nghệ cao…sẽ tạo ra động lực mới và giúp nguồn thu ngân sách của thành phố tự chủ hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, người dân TPHCM và kiều bào ở nước ngoài đang theo dõi quá trình vận dụng thực tế các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết mới về phát triển TPHCM. “Năm 2022 chúng ta chứng kiến nhiều khó khăn rất lớn trong bộ máy hành chính thành phố. Nhất là có những lĩnh vực sự nghiệp như giáo dục xảy ra nhiều nhất với hơn 2.400 người, ngành y tế cũng có hơn 2.100 người xin nghỉ việc. Vì vậy, đối với nhiều cán bộ, viên chức, công chức hiện tại rất trông chờ vào việc áp dụng Nghị quyết mới sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng lương thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội khác cho họ” - ông Ninh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh trước vận hội mới