Kinh tế

TPHCM: 'Hiến kế' chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án có sử dụng đất

TRUNG HẬU 09/05/2024 11:50

Ngày 9/5, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

dau-thau-dat-thu-thiem.jpg
4 doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất Thủ Thiêm vào tháng 12/2021 nhưng sau đó đều bỏ cọc khiến ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản TPHCM vào các năm sau đó.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, dự thảo lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm sát hơn với thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến “đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư” và các nội dung về “đấu giá quyền sử dụng đất” và “đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp công trình xây dựng”.

Trong đó, điểm khác biệt lớn nhất của việc “đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư” là nhằm mục đích lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt nhất, trước hết là có năng lực tài chính tốt nhất và có phương án, giải pháp, tiến độ triển khai, thực hiện dự án hợp lý, có tính khả thi nhất.

Dù vậy, HoREA góp ý cần phải phân biệt rõ sự khác biệt giữa các khái niệm này, bởi vì cả hai phương thức “đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư” và “đấu giá quyền sử dụng đất” đều có cùng mục đích “lựa chọn nhà đầu tư” có năng lực nhất, nhưng mỗi phương thức lại có thêm các mục đích cụ thể khác nhau.

Cụ thể, đối với phương thức “đấu giá quyền sử dụng đất” thì có mục đích “lựa chọn nhà đầu tư” trả giá cao nhất, nói cách khác là bán được “quyền sử dụng đất” với “giá cao nhất” để thu ngân sách nhà nước.

Đối với phương thức “đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư” lại có mục đích “lựa chọn dự án đầu tư có chất lượng tốt nhất, mang lại có hiệu quả kinh tế - xã hội lớn nhất và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực nhất, trước hết là phải có năng lực tài chính, có phương án, giải pháp, tiến độ hợp lý, có tính khả thi nhất trong số các nhà đầu tư dự thầu”.

Theo đại diện HoREA, hiện nay do quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai (năm 2024) chỉ cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận chuyển quyền sử dụng đất ở hoặc đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác để thực hiện dự án nhà ở thương mại, nên việc thực hiện phương thức “đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư” là một phương thức tiếp cận đất đai chủ yếu, quan trọng nhất, khả thi nhất của các nhà đầu tư để thực hiện được các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô lớn.

Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, HoREA cũng đề nghị quá trình thực hiện phương thức “đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư” thì quan trọng nhất là cần tập trung đánh giá 2 tiêu chí quan trọng nhất:

Một là, đánh giá nhà đầu tư có năng lực tốt nhất, trước hết là phải có năng lực tài chính mạnh nhất.

Hai là, nhà đầu tư đề xuất được phương án, giải pháp, tiến độ triển khai thực hiện dự án hợp lý, có tính khả thi nhất trong số các nhà đầu tư dự thầu.

Được biết, văn bản góp ý Dự thảo Nghị định được HoREA hoàn chỉnh để gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư và một số cơ quan có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TPHCM: 'Hiến kế' chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án có sử dụng đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO