Kinh tế

TPHCM muốn hợp tác toàn vùng Đông Nam bộ để ' đạt được mục tiêu cao nhất'

TRUNG HẬU 23/12/2024 15:59

Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tại hội thảo khoa học do Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 và Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố chủ trì, tổ chức ngày 23/12.

z6157412331433_683d8317d269035cc5852b08c2b4b80f.jpg
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội thảo “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - vấn đề đặt ra cho TP.HCM và Đông Nam Bộ” ngày 23/12.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, trong bối cảnh phát triển hiện nay TPHCM muốn đặt trọng tâm vào quan hệ hợp tác và liên kết với vùng Đông Nam bộ, nhận động lực từ các nguồn lực khác nhau để đạt mục tiêu cao nhất. "Thành phố sẽ lãnh sứ mệnh hạt nhân trong phối hợp, điều tiết, bố trí các nguồn lực để cùng hợp tác, phát triển cùng khu vực này", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Đặt vấn đề "Khi đất nước, khi dân tộc vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, TP HCM ở đâu trong hành trình này?", người đứng đầu chính quyền TP HCM ví von: Thành phố phải nằm trong đội hình chính và phải “đá tiền đạo”. Và, thành phố sẽ không làm việc này một mình mà đặt trong vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong các năm tiếp theo, TP HCM đặt ra quyết tâm chính trị, là cùng cả nước, cùng dân tộc vươn mình mạnh mẽ, để bước vào kỷ nguyên mới.

Tại hội thảo khoa học, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho biết, đô thị "đầu tàu" cả nước vừa đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên (Metro số 1), sẽ từng bước tạo tiền đề để phát triển 7 tuyến còn lại trong những năm tiếp theo.

z6157140319669_048861ed98c2a6e435f8654c2c2c667c.jpg
Quang cảnh Hội thảo khoa học.

Ngoài Metro số 1, TPHCM cũng đang dành các nguồn lực tập trung hoàn thành tuyến đường Vành đai 2; đồng thời triển khai xây dựng các Vành đai 3 và 4, để tạo thành hệ thống giao thông liên kết cả vùng Đông Nam bộ.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 cho rằng, TPHCM và vùng Đông Nam bộ đã và đang tập trung những công trình, dự án để làm thay đổi cả khu vực.

Để liên kết vùng và hợp tác hiệu quả hơn, TS Lịch hiến kế, chính quyền thành phố nên tập trung xử lý nhanh, có hiệu quả các công trình dự án "treo" và các công việc tồn đọng nhiều năm, vốn gây lãng phí nguồn lực...Từ đó, tạo các hành lang cơ chế, chính sách nhằm hấp thụ vốn đầu tư, tạo động lực phát triển cho toàn vùng.

Cũng tại hội thảo khoa học, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM gợi ý về mô hình phát triển “3:3:3” sẽ giúp TP HCM tăng tốc và phát triển bền vững trong các năm tiếp theo. Mô hình này, bao gồm 3 đột phá chiến lược (thể chế, kết cấu hạ tầng, nhân lực chất lượng cao); 3 động cơ tăng tốc (khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, dịch vụ chất lượng cao) và 3 hoạt động thường xuyên và bền vững (chuyển đổi xanh, văn hóa, du lịch).

Các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, TPHCM cần tiếp tục vận dụng có hiệu quả cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98. Nghị quyết này vốn đã tạo các cơ sở pháp lý vững chắc, đồng thời giúp thành phố tháo gỡ những nút thắt trong quá trình phát triển thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TPHCM muốn hợp tác toàn vùng Đông Nam bộ để ' đạt được mục tiêu cao nhất'