Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang vừa khởi tố 3 nam thanh niên ở huyện Việt Yên về hành vi giết người và che giấu tội phạm. Các bị can gồm Vũ Văn Lực (SN 1997), Nguyễn Thành Sang (26 tuổi) và Bùi Thế Quang (25 tuổi) chỉ vì xích mích, xô xát nhỏ do va chạm giao thông đã nổi “máu yêng hùng” đuổi theo dùng dao đâm chết nạn nhân trên đường.
Đáng tiếc, đây không phải là vụ việc đầu tiên, hiếm gặp về sự “nổi điên” của các thanh niên mới lớn chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt không đáng có. Thời gian qua, có rất nhiều vụ việc trẻ vị thành niên nổi máu “anh chị” khi va chạm giao thông với người khác, thay vì xin lỗi, dàn hòa lại hành hung gây thương tích, thậm chí tệ hơn là giết người. Điều này thực sự khiến dư luận xã hội bất an.
Trong bối cảnh hạ tầng giao thông đang bị quá tải ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, cùng với đó là ý thức người tham gia giao thông chưa cao như hiện nay, việc va chạm khi lưu thông trên đường là điều khó tránh khỏi. Khi xảy ra va quệt giao thông, nếu mỗi người biết hạ cái tôi xuống, biết nhường nhịn một chút chắc sẽ không xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn.
Nên nhớ là, kể cả có cãi vã, đôi co với nhau, thậm chí tìm cách giải quyết sự việc bằng nắm đấm thì cũng không thể vãn hồi được thiệt hại sau những vụ tai nạn giao thông. Vì thế, mỗi người cần biết giữ bình tĩnh để đàm phán, thương thảo về thiệt hại tài sản (nếu hỏng nặng), còn nếu thiệt hại không đáng kể thì có thể dàn hòa, bỏ qua cho nhau, đó là văn hóa giao thông cần thiết.
Song, trên thực tế rất nhiều người tham gia giao thông không có được những hành vi đẹp, có văn hóa giao thông. Dẫn đến thực trạng, nhiều vụ va chạm nhẹ mà hậu quả để lại rất nặng nề, như sự vụ ở Việt Yên, Bắc Giang là một ví dụ.
Trong những trường hợp “đánh trả” sau những va quệt giao thông, nếu chỉ gây thương tích cho người va chạm giao thông, kẻ hành hung sẽ bị khởi tố về các tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, nhưng nếu làm chết người hoặc dùng hung khí gây án sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thiết nghĩ, chỉ vì một vụ việc rất nhỏ, mà phải lãnh hậu quả nặng nề, thậm chí phải “vào tù bóc lịch”, liệu có đáng không?
Thật tiếc là không phải ai cũng ý thức được hậu quả này, chỉ đến khi ngồi trong nhà giam mới hối hận.
Lúc này có ân hận, day dứt thì cũng đã quá muộn màng, bởi mỗi người phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, nhất là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Pháp luật sẽ không dung thứ bất cứ kẻ nào có hành vi xâm hại trật tự an toàn xã hội, danh dự, nhân phẩm, tính mạng và tài sản của người khác, dù đó có là ai, giữ chức vụ gì.
Đáng nói, tình trạng “nổi điên” sau va chạm giao thông dẫn đến hành vi hành hung người khác lại chủ yếu rơi vào lứa tuổi thanh niên, vị thành niên. Trở lại vụ việc ở Việt Yên, Bắc Giang, những thanh niên tuổi còn trẻ đáng lẽ cần chú tâm vào học tập để cống hiến sức lực cho xã hội, nhưng chỉ vì nổi “máu yêng hùng” đã phải nhận những hình phạt thích đáng. Ngay cả khi mãn hạn tù cũng chưa chắc đã “làm lại” được, bởi họ đã bỏ lỡ thời gian, đánh mất niềm tin của bạn bè, gia đình và xã hội. Vậy nên hãy cẩn trọng!