Hôm nay (3/1), Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt cùng các đồng phạm từng là các quan chức cấp cao gồm: cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương)... vì đã có hành vi lợi dụng đại dịch Covid-19 để trục lợi. Đây là phiên tòa thứ hai mà bị cáo Phan Quốc Việt bị xét xử vì kiếm lợi bất chính khi mà cả nước đang phải gồng mình chống dịch.
Cách đây vài ngày, cựu Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã bị Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội kết án 25 năm tù về các tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (trong đó 15 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 10 năm tù cho tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng). Bản án nghiêm khắc này dành cho Phan Quốc Việt do bị cáo này không biết ăn năn hối lỗi.
Điều đáng nói, hành vi vi phạm pháp luật của cựu Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã khiến nhiều quan chức các bộ, ngành, địa phương bị vướng vòng lao lý. Nói như vậy không có nghĩa các cựu quan chức “bị oan”, mà càng khẳng định, khi có quyền lực nhưng thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất sẽ dễ dàng bị tha hóa, biến chất.
Thật đau lòng khi mà không chỉ có chủ các doanh nghiệp phải hầu tòa vì lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, mà không ít các cựu quan chức từng là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, thậm chí còn có một số cựu sĩ quan quân đội cũng bị dính chàm. Dẫu đau đớn, nhưng chúng ta vẫn phải kiên quyết loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” này.
Dĩ nhiên, việc một số cán bộ vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật hành chính, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự là điều không ai mong muốn. Song, nếu không nghiêm khắc xử lý số cán bộ này thì sẽ là “tiền lệ xấu” để một số người có chức vụ quyền hạn khác noi theo. Cũng chính vì tránh để mất cán bộ trong những trường hợp như thế.
Vẫn biết hành lang pháp lý đã dần hoàn thiện để điều chỉnh, khống chế sự lạm dụng quyền lực của một số cán bộ tha hóa biến chất. Song, vẫn cần sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, cùng với đó là sự đấu tranh không khoan nhượng đối với những thói hư, tật xấu, nạn tham nhũng. Có như vậy mới không xảy ra những vụ án tham nhũng lớn gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách, càng không mất cán bộ.