Việc lạm dụng phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) để tổ chức các hoạt động thương mại, hội chợ… đã làm giảm mỹ quan không gian văn hóa tiêu biểu của Thủ đô, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu vực.
Chính vì thế, thông tin về việc UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khắc phục những tồn tại, hạn chế gây mất mỹ quan tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, UBND quận luôn tiếp thu ý kiến của nhân dân và các cơ quan báo chí để tham mưu với thành phố đề xuất nhằm quản lý và phát huy các tiềm năng thế mạnh của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm với mục tiêu xây dựng và duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội. Tạo lập các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khu vực hồ Hoàn Kiếm và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá tích cực trước thái độ của UBND quận Hoàn Kiếm. “Chúng ta mong khu vực hồ Hoàn Kiếm phải luôn đẹp đẽ, sạch sẽ, xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô và cả nước. Qua nhiều năm tổ chức phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm đã nỗ lực điều chỉnh, ban hành các văn bản quản lý, trong đó có cả quy chế riêng, nhưng rõ ràng vẫn có một số điểm chưa phù hợp trong phối hợp giữa cơ quan quản lý địa phương và ngành dọc, khiến cho việc cấp phép, tổ chức các hoạt động khu vực này vẫn còn những “trục trặc”- ông Sơn nói và nhấn mạnh không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là không gian rất đặc biệt, chính vì thế, nên được ứng xử một cách đặc biệt. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nên cân nhắc, lựa chọn những hoạt động nào được ưu tiên, tránh gây quá tải, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khu vực đồng thời cần bàn bạc kỹ lưỡng với UBND quận Hoàn Kiếm về những vấn đề này.
Ông Sơn cho rằng, không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là một biểu tượng văn hóa, lịch sử và du lịch của không chỉ Hà Nội mà còn của cả nước. Như vậy, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với UBND quận Hoàn Kiếm để thảo luận về các quyết định quan trọng liên quan đến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để cả hai bên hiểu rõ về các kế hoạch và có sự đồng thuận về quản lý. Thứ hai là xác định ưu tiên hoạt động văn hóa nghệ thuật để tạo ra một môi trường phù hợp với không gian này. Ba là, hạn chế số lượng và loại hình hoạt động buôn bán tại khu vực này để các quầy hàng, gian hàng và cửa hàng không gây rối loạn, ảnh hưởng giao thông hoặc che khuất vẻ đẹp của khu vực. Cân nhắc việc cấp phép cho các hoạt động kinh doanh và buôn bán tại khu vực này. Giữ cho số lượng cửa hàng và quầy hàng ở mức hợp lý để tránh quá tải và đảm bảo rằng không gian vẫn duy trì thẩm mỹ. Thứ tư là luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng, trong đó có cả người dân và doanh nghiệp địa phương, tham vấn ý kiến chuyên gia, để đảm bảo rằng quyết định được đưa ra phản ánh mong muốn và nhu cầu của tất cả các bên liên quan.
Được biết, UBND quận Hoàn Kiếm cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thống nhất. Thời gian tới sẽ tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị tổ chức sự kiện, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm và kiên quyết không cấp phép tiếp đối với các đơn vị đã vi phạm. Chỉ bố trí các gian hàng phục vụ giới thiệu, quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch, không tổ chức các gian hàng thương mại, các gian hàng bố trí tại các vị trí phù hợp đảm bảo không gian và cảnh quan hồ Hoàn Kiếm. Đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường trước trong và sau thời gian tổ chức sự kiện. Không tổ chức khai mạc và xuất phát các giải chạy đêm trong khu vực hồ Hoàn Kiếm. Hạn chế tổ chức các sự kiện lớn tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và tiếp tục tập trung xử lý hàng rong, các điểm trông giữ xe vi phạm.