Cơ quan chức năng vừa phát đi thông báo không mấy vui vẻ, đó là việc có không ít đối tượng F1 (tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19), F2 (tiếp xúc với người tiếp xúc gần) không tự giác khai báo y tế để có thông tin cần thiết phục vụ cho việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Điều này thể hiện ý thức cộng đồng của một số người rất kém.
Hiện, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát ngoài cộng đồng, việc các công dân chủ động khai báo y tế để cơ quan chức năng có thông tin sớm, nhằm chạy đua với thời gian khoanh vùng dập dịch là hết sức cần thiết. Với chủng virus corona biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng cũ, nếu không tranh thủ được thời gian sớm nhất để truy vết, thì hy vọng ngăn chặn đại dịch bùng phát là rất ít.
Song, không phải cá nhân nào cũng ý thức được điều đó để nhanh chóng, chủ động khai báo y tế phòng dịch. Cũng có người thiếu hiểu biết sự nguy hiểm do thiếu thông tin, nhưng cũng có người biết mà vẫn cố tình không thực hiện tự giác khai báo y tế vì sợ bị cách ly “mất Tết”. Với những người thiếu hiểu biết không nói làm gì, nhưng với những người biết nhưng vẫn cố tình vi phạm quy định phòng dịch thì không chấp nhận được.
Sao họ không thử nghĩ, việc “mất” một cái Tết (đón Tết trong khu cách ly) quan trọng hay việc mắc bệnh, làm lây lan đại dịch chết người cho chính người thân của mình quan trọng hơn? Khi mà bản thân không được kiểm tra, mang mầm bệnh trong người, đến lúc phát hiện ra e rằng quá muộn để cứu chữa. Chẳng phải bệnh nhân phi công người Anh là một ví dụ sống động về sự chết đi sống lại do Covid-19 gây ra đó sao?
Chưa kể vì giấu giếm thông tin dẫn đến việc không chỉ bản thân mang bệnh, mà còn truyền Sars-CoV-2 cho vợ/chồng, cha/mẹ, ông/bà... có phải là điều mọi người mong muốn? Chẳng phải trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 17 Nguyễn Hồng Nhung là một ví dụ điển hình sao? Chỉ vì sự ích kỷ của cô ta, một số người thân xung quanh đã bị lây bệnh, để rồi người bác nhiều lần bước chân vào quỷ môn quan, may mắn lắm mới trở về được.
Không chỉ có bản thân, gia đình, bạn bè bị lây nhiễm Sars-CoV-2 nếu giấu diếm thông tin, không tự giác khai báo y tế, cả cộng đồng xã hội phải chịu chung tai họa do sự ích kỷ, thiếu ý thức của những người như vậy. Tai họa ở đây chính là sự bùng phát đại dịch Covid-19 trên diện rộng, lúc đó nền kinh tế suy thoái, tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của cả Nhà nước và người dân để chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Và nếu khi số người mắc Covid-19 tăng lên theo cấp số nhân để rồi mất kiểm soát, mà nói theo ngôn ngữ của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh là “toang”, thì các bệnh viện, khu cách ly sẽ quá tải, không đủ chỗ để điều trị, lực lượng y bác sĩ cũng sẽ thiếu nghiêm trọng. Lúc đó thử hỏi mức độ nguy hiểm của Covid-19 đối với xã hội sẽ như thế nào, liệu có còn giữ được mạng để lo “ăn Tết” ở đâu hay không?
Song, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng xã hội trước đại dịch Covid-19 thì không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác của mỗi cá nhân trong xã hội. Các cơ quan chức năng ngoài việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện việc khai báo y tế để nhanh chóng truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, cũng cần có biện pháp cương quyết để, răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm.
Chẳng hạn như mới đây, cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã tuyên bố khá “rắn”: Người không tự giác khai báo y tế, nếu mắc Covid-19 sẽ bị xử lý nghiêm. Dư luận hết sức ủng hộ quyết định này, bởi Covid-19 không thể tự nhiên xâm nhập vào mỗi người, mà nó cần một con đường cụ thể để lây lan. Điều đó có nghĩa người mắc Covid-19 chắc chắn phải có tiếp xúc với người bệnh, vậy nhưng lại giấu giếm không khai báo.
Song, lâu nay từ tuyên bố tới thực hiện vẫn còn một khoảng cách khá xa. Nhiều quy định trong luật, ở các văn bản dưới luật còn bị người ta nhu nhơ khinh nhờn không thực hiện nghiêm, huống hồ là những “quyết định” nhất thời, lời nói gió bay. Vì thế, dư luận hy vọng cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh nói đi đôi với làm, kiên quyết xử lý, trừng phạt thật nặng những cá nhân cố tình giấu giếm thông tin làm lây lan đại dịch Covid-19.
Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương khác trên toàn quốc cũng nên “học theo” TP Hồ Chí Minh, đưa ra các biện pháp mạnh để răn đe những người đang vô tình hay hữu ý làm lây lan đại dịch chết người cho cả xã hội. Trách nhiệm công dân là ở trong ý thức, sự tự giác của mỗi người. Song, với những người ý thức công dân kém, thì cần phải có “bàn tay thép” bóp chặt lại để họ biết sợ mà nâng cao trách nhiệm với cộng đồng xã hội.