Đảm bảo công bằng về số lượng các lần trả lời phỏng vấn, đăng tải chương trình hành động giữa những người ứng cử.
Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát việc vận động bầu cử? Nội dung kiểm tra trong việc tổ chức vận động bầu cử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như thế nào?
Trả lời: Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong giám sát việc vận động bầu cử được thực hiện theo quy định về thẩm quyền giám sát của MTTQ Việt Nam tại Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam, Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 và Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Nội dung giám sát việc vận động bầu cử theo quy định tại các điều từ Điều 62 đến Điều 68 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Trong đó tập trung vào một số nội dung chính sau:
- Việc thực hiện các quy định về nguyên tắc, thời gian, hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử (quy định tại các điều 63, 64, 65 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND);
- Việc tuyên truyền công tác bầu cử ở Trung ương và địa phương;
- Trách nhiệm của các cơ quan trong việc đăng tải nội dung vận động bầu cử, chương trình hành động của người ứng cử;
- Đảm bảo công bằng về số lượng các lần trả lời phỏng vấn, đăng tải chương trình hành động giữa những người ứng cử.
Nội dung kiểm tra việc tổ chức vận động bầu cử của MTTQ Việt Nam là việc thực hiện các quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp tham gia tổ chức để người ứng cử tiếp xúc cử tri vận động bầu cử được quy định tại các điều từ Điều 62 đến Điều 68 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Trong đó tập trung vào kiểm tra việc tổ chức vận động bầu cử thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri (quy định tại Điều 66 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND), gồm:
- Cơ quan chủ trì, thành phần, số lượng cử tri tham dự hội nghị;
- Cách bố trí, sắp xếp địa điểm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri;
- Việc bảo đảm các nội dung của chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri;
- Việc bảo đảm công bằng về số lượng các hội nghị tiếp xúc cử tri giữa những người ứng cử.