Đợi mãi thì cũng đến lúc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển Việt Nam Phillippe Troussier thanh lý hợp đồng trước thời hạn, sau trận thua 0 - 3 trước Indonesia ngay tại sân Mỹ Đình. Ông Troussier đã chính thức trở thành HLV người nước ngoài có thành tích kém nhất khi dẫn dắt đội tuyển bóng đá nam của Việt Nam.
Ông Troussier chia tay tuyển Việt Nam với thông số rất tệ hại, khi mà tỉ lệ thua lên tới 71,4%. Trong khi đó, tỉ lệ thua của các HLV ngoại như sau: Park Hang-seo 24,5%; Toshiya Miura 28,6%; Alfred Riedl 32,8%; 2 HLV Colin Muphy và Dido cùng 33,3%; Weigang 35,3%; Kalko Gotz 40%; Henrique Calisto 42,3%; Edson Tavares 50%.
Trước đó, HLV Troussier ký hợp đồng với VFF thời hạn hơn 3 năm, từ ngày 1/3/2023 đến 31/7/2026. Mức lương ông Troussier được nhận là hơn 50.000 USD/tháng (gần 1,2 tỷ đồng sau thuế) cùng các khoản lợi ích khác. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm 25 ngày, ông Troussier đã phải khăn gói ra đi.
Như vậy, với tình thế hiện tại, tuyển Việt Nam hầu như đã hết hy vọng với World Cup 2026, tuy rằng trước mắt vẫn còn 2 trận đấu vòng loại với Philippines và Iraq trong tháng 6 tới.
Những ngày này, truyền thông cũng như dư luận xã hội nói rất nhiều tới ông Troussier - người từng được tụng ca là “phù thủy trắng”, nhưng lại dẫn tuyển Việt Nam đi từ thất bại này tới thất bại khác: rơi khỏi top 100 bảng xếp hạng của FIFA, từ hạng 95 xuống 115, chưa tính đến trận thua trước Indonesia ngày 26/3 vừa qua sẽ còn bị tụt hạng tiếp.
Ông Troussier ra đi cùng với thứ triết lý bóng đá của riêng mình nhưng đã để lại “di sản” đáng thất vọng, và như vậy chúng ta lại phải làm lại từ đầu với muôn vàn khó khăn. Vậy, trong sự thất vọng và hối tiếc khôn cùng, bài học kinh nghiệm nào để tránh được vết xe đổ ấy?
Trong hơn 1 năm dẫn dắt tuyển Việt Nam, thảm họa rõ nhất là ông Troussier đã thua cả 3 trận trước tuyển Indonesia - đội tuyển trước đó luôn ở bậc dưới các cầu thủ của chúng ta. Đặc biệt, trận thua 0 - 3 trên sân Mỹ Đình là trận thua không thể ngờ tới sau 20 năm.
Nhiều người cho rằng vị HLV người Pháp này không hiểu bóng đá Việt Nam, rất cực đoan khi cố gắng áp đặt lối chơi riêng và cũng nhất định không sử dụng những hảo thủ sẵn có, thay vào đó là những cầu thủ trẻ thiếu kinh nghiệm trận mạc trong những trận đấu mang tính quyết định. Và cũng vì thế, chính ông Troussier đã xóa đi thành tích vang dội của bóng đá nam Việt Nam đã dày công gây dựng qua rất nhiều năm. Điều đó khiến người hâm mộ Việt Nam nổi giận.
Cũng thật đáng tiếc, trước đó, với hàng loạt trận thất bại của đội tuyển nhưng một số người vẫn tìm cách che chắn cho ông Troussier. Chính vì thế mới dẫn đến kết cục đau buồn. Đó phải được coi là bài học đầu tiên cần rút ra.
Tiếp đó, trách nhiệm quan trọng nhất thuộc về VFF khi tìm kiếm HLV cho đội tuyển. Ngày 27/3, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, VFF cần sớm tìm HLV trưởng mới cho đội tuyển. Bóng đá Việt Nam cần đánh giá lại và có chiến lược bài bản. Liên quan đến việc định hướng phát triển, tuyển chọn HLV thế nào để phù hợp với bóng đá Việt Nam, ông Hùng cho biết đó là công việc của những nhà chuyên môn (ở đây có thể hiểu là VFF).
Tới đây, câu hỏi cần phải được đặt ra là: ông Troussier đã phải ra đi, còn VFF thì sao? Đòi hỏi chính đáng của người hâm mộ là: VFF không thể ngó lơ trách nhiệm của mình.
Với bao nhiêu kỳ công, bóng đã Việt Nam đã vượt qua được "vùng trũng" Đông Nam Á, hướng tới bóng đá châu lục và mơ giấc mơ World Cup. Nhưng nay, giấc mơ thì rời xa còn nỗi đau sẽ vẫn ở lại với bóng đá Việt Nam.
VFF cần nhận rõ trách nhiệm của mình. Chúng ta đã đầu tư lớn để thuê HLV ngoại thì phải tìm được người xứng đáng, không thể để những kỳ vọng của hàng triệu người tan vỡ chỉ vì sự chọn lựa sai lầm. VFF phải chịu trách nhiệm chính với nền bóng đá Việt Nam, chứ không phải đổ tội riêng cho một người làm công ăn lương như ông Troussier, mặc dù ông ta đã trực tiếp đưa đến sự tụt dốc của đội tuyển Việt Nam.
Nếu không làm rõ trách nhiệm của VFF thì rất có thể lại rơi vào một sự chọn lựa nhầm lẫn nữa. Mà như thế biết bao giờ vinh quang mới trở lại với chúng ta? Biết đến bao giờ người hâm mộ Việt Nam mới lại được sống trong những giây phút rạo rực của chiến thắng?
Câu trả lời và trách nhiệm phải thuộc về VFF.